Xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch
Trang bị kỹ năng cần thiết
Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) hiện có gần 100 cán bộ quản lý, nhân viên (phần lớn là người địa phương) đang làm việc ở nhiều bộ phận như: Văn phòng, lễ tân, lái xe điện, bán vé, vận hành cáp treo. Từ năm 2019, doanh nghiệp đầu tư đã chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tại đây từ việc đón khách, giao tiếp, ứng xử, phục vụ ăn uống, đi cáp treo. Hiện khu du lịch có 2 nhà hàng ăn uống, 15 xe điện, 45 ca bin cáp treo đưa khách lên chùa Thượng.
Nhân viên vận hành cáp treo bố trí du khách lên chùa Thượng tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc vận hành khu du lịch cho biết, nhân lực làm việc tại đây có bằng trung cấp trở lên, hằng năm được đơn vị tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ. Tới đây, khi dự án hoàn thiện giai đoạn 2, doanh nghiệp sẽ tiếp tục liên kết bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về lễ tân, lưu trú, ngoại ngữ cho đội ngũ này. Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch đón khoảng 300 nghìn lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch của tỉnh, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển du lịch tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Đối tượng quan tâm là công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch; lãnh đạo, nhân viên tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, một số huyện như: Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa còn tổ chức hội thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch; thành lập câu lạc bộ thuyết minh viên, đối tượng là các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Qua thống kê, hiện nay, Bắc Giang có khoảng 2,7 nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch, bao gồm: Lao động tại các cơ sở kinh doanh lưu trú; khu, điểm du lịch; doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch và lao động dịch vụ khác. Toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp lữ hành, 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, hơn 100 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ. Lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ khoảng 40% tổng số lao động ngành du lịch. Lực lượng lao động hiện chủ yếu làm việc trong các cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống.
Liên kết đào tạo, ưu tiên bồi dưỡng tại chỗ
Trong số 13 khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, một số nơi đã có phương thức quản lý, phục vụ theo hướng chuyên nghiệp như điểm du lịch cộng đồng bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế); điểm du lịch làng văn hóa Đông Bắc (Lục Ngạn), điểm du lịch sân golf dịch vụ Yên Dũng (Yên Dũng), điểm du lịch Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế). Điểm du lịch cộng đồng bản Ven hiện có 26 lao động đang làm việc, chia ra nhiều bộ phận: Lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, kinh doanh. Hiện nay, đơn vị có thể tổ chức cho khoảng 500 du khách ăn uống cùng lúc và bố trí lưu trú cho khoảng 300 khách.
Nhân viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Yên Thế giới thiệu khách tham quan di tích đền thề Hoàng Hoa Thám (Yên Thế). |
Ở huyện Lục Ngạn, vụ vải thiều vừa qua, nhiều hợp tác xã du lịch cộng đồng còn chủ động xây dựng tour tham quan phục vụ khách từ các tỉnh, thành phố ở miền Nam về huyện, trong đó có bố trí hướng dẫn viên đưa đón, liên kết với các doanh nghiệp vận tải, nhà hàng, khách sạn, nhà vườn, điểm tham quan để phục vụ khách.
Hay như khách sạn Mường Thanh, Ravatel Inn, Ravatel Home (TP Bắc Giang) và một số doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh cũng có phương pháp quản lý, điều hành, phục vụ du lịch tương đối chuyên nghiệp, nhất là nghiệp vụ lễ tân, quầy bar, ẩm thực, đưa đón khách. Đối với điểm du lịch tâm linh, du lịch về nguồn như: Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), đền Xương Giang (TP Bắc Giang), chùa Bổ Đà (Việt Yên), Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế), đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên đã được tập huấn, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về du lịch.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tổng số khách du lịch đến tỉnh Bắc Giang ước đạt hơn 3 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng. |
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tổng số khách du lịch đến tỉnh Bắc Giang ước đạt hơn 3 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023 Bắc Giang đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, tăng hơn 44 % so với cùng kỳ năm 2022. Hình ảnh, vùng đất, con người, văn hóa Bắc Giang ngày càng được quảng bá, lan tỏa, góp phần thu hút đầu tư phát triển KT-XH.
Trước sự phát triển của ngành du lịch, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cao hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, đòi hỏi chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp cần tiếp tục có những giải pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Sở sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ phát triển du lịch tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đã đề ra tại Nghị quyết số 112-NQ/TU của Tỉnh ủy bảo đảm đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử, ngoại ngữ.
Liên kết với các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực du lịch của địa phương. Ưu tiên bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng. Cùng đó, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên sâu theo loại hình, vùng, miền du lịch. Tăng cường trao đổi, chia sẻ với các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã về kinh nghiệm làm du lịch.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)