Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an thân thiện, gần gũi nhân dân
Nâng cao tinh thần phục vụ
Đến trụ sở Công an phường Trần Phú - đơn vị được chọn làm điểm thực hiện mô hình, người dân cảm thấy sự thân thiện, gần gũi khi được cán bộ hướng dẫn tận tình.
Cán bộ trực ban Công an phường Trần Phú hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. |
Những khẩu hiệu như: “Vì nhân dân phục vụ”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo chất lượng cải cách hành chính”, “trách nhiệm, tận tụy vì nhân dân phục vụ” được trang trí trên nền đỏ, chữ vàng nổi bật ở phòng tiếp dân.
Thủ tục hành chính của 6 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết được niêm yết công khai. Bàn ghế, điều hòa nhiệt độ, máy vi tính, cây nước uống, camera giám sát… được trang bị nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân khi đến giải quyết công việc.
Tại đây, tôi gặp bà Phạm Thị Thu (SN 1968) ở số nhà 68, đường Đàm Thận Huy. Được biết, khi xem căn cước công dân (CCCD) cho con trai, bà cứ băn khoăn cháu sinh tại Bắc Giang, nhưng giấy khai sinh ghi ở tỉnh Hải Dương thì thông tin trên căn cước có ảnh hưởng gì không? Đem băn khoăn này đến hỏi công an phường, được cán bộ tận tình giải thích, bà Thu yên tâm: “Tôi thấy mấy cô chú công an giải quyết công việc rất niềm nở, giải thích những vấn đề chưa rõ về các thủ tục nhanh chóng, dễ hiểu”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Trưởng Công an phường Trần Phú cho biết: “Phường có đông dân cư với 2.703 hộ, xấp xỉ 10.000 nhân khẩu, trình độ dân trí cao. Địa bàn phường có chợ Thương, nhiều tuyến phố cổ kinh doanh sầm uất nên yêu cầu về công tác phục vụ người dân cũng đòi hỏi phải được nâng cao.
Công an phường được chính quyền thành phố đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, tạo môi trường làm việc gần gũi, thân thiện ngay từ khi công dân đến làm việc. Chúng tôi bố trí cán bộ tiếp dân bảo đảm 24/7. Ngày nghỉ, nếu công dân đến cán bộ trực ban sẽ tiếp nhận hồ sơ để người dân không phải đi lại nhiều lần”.
Nhiều người đi chợ Thương lo ngại kẻ gian móc túi, trộm cắp tài sản, Công an phường phối hợp với Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân cảnh giác, cử cán bộ tuần tra. Khi thấy có sự xuất hiện của công an, kẻ gian cũng sẽ chùn bước.
Ngoài ra, Công an phường còn quan tâm đến việc tổ chức trao, gửi thư đến người dân (Thư cảm ơn, Thư chúc mừng việc hỷ, thêm thành viên mới; Thư chia buồn khi có việc hiếu...).
Bà Nguyễn Thị Trường ở số nhà 47, đường Lý Thái Tổ xúc động: “Nhận được thư chia buồn khi gia đình có người mất, tôi cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời, thấy hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ công an trở nên gần gũi, thân thiện hơn”.
Năm 2022, Công an phường còn phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, cấp ủy, tổ dân phố và các nhà hảo tâm tặng hơn 200 suất quà (mỗi suất 600 nghìn đồng) cho các gia đình khó khăn và các cụ từ 90 tuổi trở lên.
Nhân rộng mô hình
Thượng tá Vũ Văn Tường, Trưởng Công an TP Bắc Giang cho biết: “Công an xã, phường là đơn vị trực tiếp làm các công việc hành chính liên quan đến người dân. Quá trình thực thi nhiệm vụ, một lời nói, một hành vi dù nhỏ nhưng sẽ tạo hiệu ứng lớn. Chỉ sau 2 tháng thực hiện thí điểm ở phường Trần Phú, từ những kết quả bước đầu và tính thiết thực, chúng tôi đã chỉ đạo nhân rộng tại Công an 16/16 xã, phường”.
Những hành động cụ thể, đơn giản khi tiếp xúc với người dân như: Cử chỉ, sắc thái, lời cảm ơn, lời chúc mừng, lời xin lỗi… được thực hiện theo khẩu hiệu “4 xin” (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).
Cán bộ, chiến sĩ khi tiếp xúc giải quyết công việc với nhân dân luôn đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người dân để có sự cảm thông, chia sẻ, giảm phiền hà, bất tiện cho người dân".
Tại trụ sở, hộp thư góp ý, camera giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân qua quét mã QR Code... là những hình thức giám sát cán bộ, chiến sĩ hiệu quả, giúp lãnh đạo, chỉ huy kịp thời uốn nắn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy trình công tác và điều lệnh CAND.
Dịp này, Công an các địa phương tập trung cao cho làm CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân. Nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ “làm hết việc chứ không hết giờ”, tại xã Dĩnh Trì còn hơn 200 người đủ điều kiện nhưng chưa đến làm, Trung tá Hà Quốc Thụy, Phó Trưởng Công an xã cho biết: Chúng tôi thường xuyên rà soát trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia để phát hiện những trường hợp chưa được cấp, bị sai lệch thông tin cá nhân để có giải pháp khắc phục.
Đơn cử như ngày 9/11 vừa qua, xã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Làm nghề lái xe đường dài, cố gắng thu xếp nhưng ông Nguyễn Văn Lượng ở thôn Riễu về đến nhà đã gần 22 giờ đêm. Hớt hải đi ra xã làm thủ tục nhưng các cửa hàng photo đều đóng cửa không thể có được giấy tờ liên quan. Thấy vậy, từ máy của cơ quan, Công an xã đã hỗ trợ ông.
Qua xem sổ hộ khẩu thấy con trai ông là Nguyễn Hồng Quân (sinh ngày 14/9/2008) đã đủ tuổi làm CCCD nên đề nghị ông về nhà lấy các giấy tờ liên quan để làm luôn cho con mặc dù lúc đó đã là 22 giờ 30 phút.
Thực hiện mô hình, đại đa số cán bộ, chiến sĩ đều có thái độ lịch sự, đúng mực, gần gũi, thân thiện trong giao tiếp, ứng xử, làm việc với người dân, chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân. Sự gần gũi, thân thiện đó đã tạo tâm lý thoải mái cho người dân, giúp họ cởi mở hơn trong giao tiếp, từ đó phối hợp tốt hơn trong giải quyết công việc.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)