Xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp: Nhiều dự án chậm tiến độ
GPMB nhiều năm chưa xong
Việc thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt một số kết quả song vẫn còn không ít CCN “giậm chân tại chỗ” hoặc đầu tư rất chậm. Điển hình là CCN Mỹ An (Lục Ngạn). CCN này thành lập năm 2016, diện tích 35 ha, được hình thành từ dự án “Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hiệp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF”.
Thành lập từ năm 2015 nhưng đến nay, CCN Mỹ An (Lục Ngạn) vẫn còn nhiều hạng mục chính chưa được xây dựng. |
Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 5/2015, do Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt làm chủ đầu tư. Sau đó do doanh nghiệp (DN) đề nghị bổ sung vốn đầu tư xây dựng 1 nhà máy hóa dầu nên ngày 25/10/2018, UBND tỉnh ban hành quyết định mở rộng CCN Mỹ An lên 46,77 ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu của CCN là chế biến gỗ, cơ khí, hóa dầu từ than và dịch vụ cảng hàng hóa đường sông. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 2,14 nghìn tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án theo quyết định được phê duyệt: Năm 2018, xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF, hoàn thành cảng sông đưa vào hoạt động; năm 2019, tiếp tục GPMB, xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đưa nhà máy chế biến gỗ MDF vào hoạt động; năm 2020, khởi công xây dựng nhà máy hóa dầu; năm 2021, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, các dự án đi vào vận hành ổn định. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới hoàn thành GPMB 20,6 ha và hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng: Nhà văn phòng điều hành; khối nhà ăn, nhà ở; nhà xưởng cơ khí… Riêng 2 hạng mục lớn nhất là nhà máy chế biến gỗ MDF và nhà máy hóa dầu đều chưa được đầu tư xây dựng.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, nguyên nhân tiến độ xây dựng hạ tầng CCN Mỹ An chậm là do lịch sử hình thành và phát triển của CCN này có nhiều thay đổi. Quy hoạch xây dựng cầu Mỹ An và đường nối cảng Mỹ An ảnh hưởng đến quy hoạch chung của cả khu vực (trong đó có CCN Mỹ An). Dự án này vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài nên thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, việc đi lại và đàm phán gặp nhiều khó khăn. Cũng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác quy hoạch chi tiết toàn bộ CCN tỷ lệ 1/500 (tích hợp giữa diện tích mở rộng và diện tích cũ) vẫn đang thực hiện.
Cùng với CCN Mỹ An, hiện còn nhiều CCN khác chậm tiến độ như: Tiên Hưng (Lục Nam), Trung Sơn - Ninh Sơn (Việt Yên); Đại Lâm (Lạng Giang)… Các CCN này đều thành lập từ 4 đến hơn 6 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa GPMB xong. Hiện các chủ đầu tư mới đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích trồng lúa sang đất công nghiệp. Được biết, từ năm 2023 đến nay, chủ đầu tư CCN Tân Mỹ (TP Bắc Giang) không triển khai thực hiện bất cứ nội dung nào của dự án, không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.
Tháo gỡ khó khăn
Việc chậm tiến độ xây dựng hạ tầng ở một số CCN trên địa bàn tỉnh không chỉ khiến nhiều ha đất bỏ hoang mà còn làm chậm quá trình thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, ảnh hưởng đến công tác phát triển CCN trên địa bàn cấp huyện do chưa đủ điều kiện tỷ lệ lấp đầy CCN cũ để thành lập CCN mới (quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN).
Toàn tỉnh hiện có 55 CCN, trong đó 35 CCN có tổng diện tích hơn 1,24 nghìn ha đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đạt 604 ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã đầu tư hạ tầng là 40,6%; thu hút được 271 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 33,32 nghìn tỷ đồng. Đã có 226 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 45 nghìn lao động. |
Theo Sở Công Thương, nguyên nhân dẫn đến nhiều CCN chưa GPMB xong và chậm đầu tư là do từ đầu năm 2020 đến hết quý I/2022 đại dịch Covid-19 xảy ra. Mặt khác, do một số quy hoạch, kế hoạch chưa đồng bộ với Quy hoạch tỉnh như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện… dẫn đến phải chờ đợi rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung mới có thể thực hiện được các thủ tục pháp lý liên quan.
Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, đất rừng từ 20 ha trở lên phải lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (hồ sơ phải qua nhiều cơ quan thẩm tra, thẩm định) nên mất nhiều thời gian. Trong khi đó, công tác bồi thường, GPMB gặp khó khăn, vướng mắc do người dân không đồng thuận, đòi giá bồi thường cao hơn giá Nhà nước quy định… Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư CCN chưa thực sự tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để thực hiện các nội dung công việc. Có trường hợp năng lực thực hiện dự án còn hạn chế.
Để tạo điều kiện thuận lợi, giúp các chủ đầu tư CCN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, Sở Công Thương đã tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 31/5/2023 về đầu tư xây dựng hạ tầng CCN do DN làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó xác định cụ thể từng công việc, thời hạn hoàn thành; trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị chủ trì và cơ quan, đơn vị phối hợp.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Đối với các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục pháp lý, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo đến từng sở, ngành, địa phương. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư CCN hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương châm thực hiện là tiến hành song song các công việc, không chờ việc này xong mới triển khai công việc tiếp theo”.
Đối với khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, GPMB, trước hết giao chính quyền cấp huyện, xã và các tổ chức đoàn thể tích cực vận động người dân đồng thuận; đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm, quy chủ, xác định nguồn gốc đất; tổ chức cưỡng chế đối với những hộ dân cố tình chống đối.
Các sở, ngành liên quan cần tích cực hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục giao đất, thuê đất… Định kỳ hằng tháng, Sở Công Thương tổng hợp tình hình, kết quả triển khai của các CCN, đánh giá mức độ hoàn thành, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh để kiến nghị với các cấp ngành, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)