Xây dựng công trình đèn chiếu sáng trang trí đô thị: Quản lý chặt, bảo đảm tính thẩm mỹ
BẮC GIANG - Việc làm đẹp cảnh quan đô thị ban đêm bằng hệ thống đèn chiếu sáng trang trí (CSTT) được các địa phương trong cả nước áp dụng. Bởi bên cạnh việc tăng tính thẩm mỹ cho các công trình kiến trúc, đèn CSTT còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT), thúc đẩy các hoạt động thương mại, du lịch. Tuy nhiên, tại Bắc Giang, việc đầu tư xây dựng các công trình CSTT đô thị vẫn mang tính tự phát, tính thẩm mỹ chưa cao, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống người dân và ATGT.
Đầu tư thiếu đồng bộ
Thời gian qua, cùng với phát triển KT-XH của tỉnh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các đô thị được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Diện mạo các đô thị có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, công trình CSTT tại các đô thị chưa được quan tâm quản lý chặt chẽ, có nơi còn tự phát, chưa đồng bộ, thiếu kế hoạch, mới giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững... gây ảnh hưởng đến mỹ quan, cảnh quan đô thị.
Cụm đèn trang trí tại vòng xuyến chân cầu vượt QL1A nối KĐT phía Đông và Tây thị trấn Vôi được lắp dựng quá lớn gây khuất tầm nhìn. |
Ghi nhận tại Khu đô thị (KĐT) mới phía Tây thị trấn Vôi (Lạng Giang). Đây là KĐT được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhằm quảng bá hình ảnh về một KĐT hiện đại, đáng sống, đồng thời thu hút du khách đến vui chơi, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai (TP Bắc Giang) đã chi nhiều tỷ đồng xây dựng hệ thống đèn CSTT với hàng trăm cụm họa tiết trên các cột điện đường, cột đồng hồ, cổng chào vượt đường làm nổi bật cảnh quan tại các tuyến phố đi bộ và không gian công cộng nơi đây. Vì thế, các buổi tối, nhất là thứ Bảy hằng tuần, tại KĐT này lại có hàng nghìn người đến vui chơi, thư giãn. Nhờ đó mà nhiều dịch vụ như: Ăn uống, giải khát, cắm trại, điểm phục vụ vui chơi cho trẻ em tại đây khá phát triển, tạo thu nhập cho nhiều hộ dân.
Tuy nhiên, cách KĐT này không xa, tại công trình điện CSTT trên cầu vượt quốc lộ (QL) 1A, nối KĐT phía Đông - Tây thị trấn Vôi và vòng xuyến dưới chân cây cầu này (do UBND huyện Lạng Giang và Công ty cổ phần Thương mại Tuấn Mai đầu tư) lại được xây dựng chưa phù hợp. Cụ thể, công trình điện CSTT bằng đèn led trên cầu vượt được tạo hình mô phỏng cây cầu dây văng nhưng các trục dây điện led trang trí lắp đặt có khoảng cách lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Còn công trình điện CSTT tại vòng xuyến dưới chân cầu lại được xây dựng quá lớn, tạo hình ngọn tháp cao khoảng 20 m, đế rộng hàng chục mét, gây ảnh hưởng tầm nhìn các phương tiện qua lại, nguy cơ mất ATGT.
Tại KĐT Ninh Khánh, phường Nếnh (thị xã Việt Yên), một số chủ nhà hàng karaoke còn lắp đặt biển quảng cáo trang trí lớn trên ngã tư, ngay tại dải phân cách đường qua KĐT và trên cột điện bên đường khiến người qua lại lầm tưởng là các biển báo giao thông...
Không chỉ những địa phương nêu trên mà hầu hết các huyện, TP trong tỉnh đều xuất hiện công trình chiếu sáng, biển hiệu quảng cáo có ánh sáng mạnh, sặc sỡ; lắp đèn led, đèn chùm dày đặc trên cây gây thị giác ảo, khuất tầm nhìn hoặc tranh chấp với đèn tín hiệu giao thông. Ví như tại các tuyến phố: Nguyễn Thị Lưu 6, Lưu Nhân Chú, Thân Cảnh Phúc… (TP Bắc Giang) người dân tự chăng dây vượt đường để trang trí đèn led, đèn lồng, nguy cơ gây chập cháy điện cao. Nếu có hỏa hoạn hay công trình xây dựng thì xe chuyên dụng rất khó hoạt động.
Được biết, các công trình đèn CSTT ở những KĐT mới chủ yếu do các chủ đầu tư KĐT thực hiện. Chỉ có các công trình đèn CSTT lớn như: Cổng chào vượt đường; tòa nhà công sở; hệ thống đèn trang trí cụm logo dọc các tuyến phố chính, bảng tin điện tử công cộng… mới do UBND các huyện, thị xã, TP đầu tư. Còn đèn CSTT trên cây xanh, trước cửa nhà, dọc các tuyến phố, cụm dân cư... trong đô thị chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Vì thế, hầu hết các công trình này đều mang tính tự phát nên thiếu đồng bộ và thẩm mỹ.
Tăng cường quản lý
Bắc Giang đang thúc đẩy phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại theo hướng không gian kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền, vì thế không thể thiếu hệ thống đèn CSTT. Do đó, sau khi khảo sát việc đầu tư lắp đặt, quản lý hệ thống đèn CSTT tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đầu tháng 5 vừa qua, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý hệ thống đèn CSTT đô thị trên địa bàn tỉnh. Đây là văn bản riêng biệt đầu tiên của tỉnh đánh giá những hạn chế và định hướng khắc phục trong xây dựng hệ thống đèn CSTT đô thị.
Nghị định 79/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị quy định: Giải pháp chiếu sáng không gian công cộng phải góp phần tăng tính thẩm mỹ, kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cảnh quan như cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, mặt nước với các công trình kiến trúc, tượng đài, đài phun nước và các công trình khác. Tùy theo chức năng, quy mô, đặc điểm kiến trúc, độ cao và yêu cầu thẩm mỹ, việc chiếu sáng mặt ngoài công trình phải tạo nên những điểm nhấn, hình ảnh đặc trưng của công trình... Ngoài ra, Luật Quảng cáo cũng nghiêm cấm việc quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự ATGT, an toàn xã hội. |
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều địa phương đã rà soát các công trình đèn CSTT, biển quảng cáo sử dụng đèn led, điện tử thiếu tính thẩm mỹ, có cường độ ánh sáng vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và Luật Quảng cáo để tuyên truyền, yêu cầu các chủ công trình điều chỉnh cho phù hợp. Dù vậy, hiện các địa phương đều gặp khó khăn nên hiệu quả quản lý, đầu tư chưa cao. Theo ông Ngô Văn Trình, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị (thị xã Việt Yên), hiện cơ chế chính sách về đầu tư công trình đèn CSTT chưa thống nhất, thiếu nguồn vốn (địa phương nào có kinh phí thì tự đầu tư); đội ngũ quản lý nhà nước và quản lý trực tiếp trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị còn thiếu, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, bài bản...
Để việc quản lý, sử dụng hệ thống đèn CSTT đô thị phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn vốn xây dựng của UBND các cấp, phòng quản lý đô thị, kinh tế các địa phương cần tham mưu, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, xử lý những vi phạm về CSTT tại các đô thị; rà soát các điểm chiếu sáng chưa hợp lý về màu sắc, cường độ, thời gian chiếu sáng để tham mưu xử lý theo quy định. Các công trình điện CSTT trước khi xây dựng phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án, quy mô xây dựng đúng quy định pháp luật, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch chung, tính thẩm mỹ cao, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, bảo đảm ATGT, an ninh trật tự.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)