Xã Song Vân (Tân Yên): Truyền thông hiệu quả để giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xã Song Vân (Tân Yên) đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nắm bắt thông tin, học tập kinh nghiệm. Nhờ đó, các mô hình hay, cách làm mới đã được bà con nghiên cứu, áp dụng vào thực tế sản xuất, phát triển kinh tế.
Đi trước, thấm sâu
Theo ông Giáp Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Song Vân, việc nâng cao, thay đổi nhận thức của người nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác giảm nghèo. Do vậy, xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng “đi trước, thấm sâu” bằng nhiều hình thức như: Vận hành hiệu quả hệ thống đài truyền thanh xã; cổng thông tin điện tử xã; tờ rơi; tổ chức đối thoại…
Đồng thời chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để hỗ trợ đúng, trúng, phù hợp, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, hằng năm, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đều giảm. Cuối năm 2023, xã Song Vân còn 55 hộ nghèo, tỷ lệ 2%; 139 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,06% trong đó chủ yếu là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.
Đoàn viên thanh niên xã Song Vân đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trên nền tảng số. |
Đoàn thanh niên xã là “cánh tay” đắc lực trong công tác truyền thông chính sách. Với ưu thế của những người trẻ, đoàn viên thanh niên đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng số như: Facebook, zalo. Chị Nguyễn Thị Hiền, Bí thư Đoàn xã cho biết: "Sau khi nhận được thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp qua kênh Huyện đoàn, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội, quản trị viên của trang facebook “Đoàn xã Song Vân” sẽ cập nhật thông tin lên trang; yêu cầu các bí thư chi đoàn và đông đảo đoàn viên thanh niên chia sẻ thông tin. Nhờ vậy lượng người tiếp cận thông tin được nhiều hơn so với kênh truyền thống”. Kinh nghiệm để truyền thông hiệu quả của đoàn thanh niên là trước khi diễn ra hoạt động khoảng chục ngày, người phụ trách trang facebook sẽ đăng tải thông tin lên trang; thiết kế paner, khẩu hiệu hấp dẫn nhằm thu hút bạn đọc. Sau đó kêu gọi mọi người cùng chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội để tăng độ phủ sóng thông tin.
Còn với công chức văn hóa - xã hội Trần Văn Tuấn, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Tân Yên tổ chức để nâng cao kỹ năng tuyên truyền. Qua đó anh đã biết ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, từng bước nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phổ cập chính sách trên địa bàn.
Lan tỏa trong cộng đồng
Việc đa dạng hình thức tuyên truyền không chỉ giúp xã Song Vân triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời, đầy đủ mà còn giúp người nghèo nắm được thông tin và học hỏi những tấm gương điển hình trong nhiều lĩnh vực. Từ đó áp dụng vào thực tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ví như với chính sách vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, xã Song Vân tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và thông qua 4 tổ chức là: Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Nhờ vậy đông đảo hội viên, đoàn viên, nhân dân trên địa bàn tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Hiện xã có 13 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ hơn 17,9 tỷ đồng, giúp hơn 300 hội viên, đoàn viên vay ưu đãi lãi suất để phát triển kinh tế.
Thôn Giếng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân. |
Chị Thân Thị Bắc, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ban quản lý thôn tổ chức tuyên truyền để người dân biết đến chính sách vốn vay ưu đãi của Nhà nước; trên cơ sở đó rà soát những hộ khó khăn, nắm bắt nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện Hội LHPN xã đang quản lý 4 tổ vay vốn, dư nợ hơn 5,8 tỷ đồng”.
Được tiếp cận thông tin về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững và tập huấn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Song Vân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo. Như trường hợp chị Tạ Thị Xuân (SN 1981), thôn Hồng Phúc, thông qua tổ tiết kiệm vay vốn của phụ nữ chị được vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò và lợn. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi nên đàn vật nuôi sinh trưởng tốt, giúp gia đình có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Đến đợt rà soát cuối năm 2022, gia đình chị không còn là hộ cận nghèo.
Hiệu quả của công tác truyền thông chính sách không chỉ góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của nhân dân mà còn khơi gợi sức dân tham gia xây dựng quê hương. Theo đồng chí Tạ Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Giếng, những năm gần đây, diện mạo làng quê của thôn Giếng đổi thay đáng kể; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Thôn chỉ còn 7 hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, bà con tích cực đóng góp kinh phí mở rộng đường làng ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, theo lãnh đạo UBND xã Song Vân, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về chính sách để người dân nâng cao nhận thức và hiểu rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo. Từ đó tích cực lao động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho cá nhân, gia đình.
Ý kiến bạn đọc (0)