Vùng đất giàu truyền thống khoa bảng
Trải qua 844 năm khoa cử của các triều đại phong kiến (1075 - 1919), huyện Việt Yên có 18 người đỗ tiến sĩ, chiếm gần 1/3 số tiến sĩ cả tỉnh (Bắc Giang có 66 người). Truyền thống cử nghiệp Việt Yên được sử sách nhắc tới bởi mảnh đất này đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Tiêu biểu như: Thân Nhân Trung, Hoàng Công Phụ, Trần Đăng Tuyển, Thân Cảnh Vân…
Di tích quốc gia đền thờ và phần mộ Hán quận công Thân Công Tài, xã Hồng Thái. |
Theo các tài liệu, làng quê có nhiều người đăng khoa nhất là Yên Ninh (nay thuộc thị trấn Nếnh) với 10 vị kế tiếp đỗ đạt dưới triều Lê - Mạc. Người khai khoa cho truyền thống hiếu học, khoa bảng huyện Việt Yên là Thân Nhân Trung. Ông đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469).
Thân Nhân Trung là danh sĩ nổi tiếng được vua Lê Thánh Tông đánh giá cao về tài đức và được người đương thời tôn vinh là bậc “Danh nho trùm đời”. Ông làm quan dưới triều Lê Thánh Tông đến chức Đông Các Đại học sĩ kiêm Quốc Tử giám tế tửu, Lại bộ Thượng thư, nhập nội phụ chính, là Phó Nguyên soái Hội Tao Đàn (vua Lê Thánh Tông là Nguyên soái).
Nhiều người biết đến Tiến sĩ Thân Nhân Trung, với câu nói nổi tiếng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn...”.
Kế sau Thân Nhân Trung có 9 người đỗ đại khoa, trong đó có 2 con trai của ông là Thân Nhân Tín và Thân Nhân Vũ; cháu nội của ông là Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 28 (1487).
Trong lịch sử bang giao của nước ta có nhiều người hiền tài, mang lại lợi ích lớn lao và làm rạng danh dân tộc. Huyện Việt Yên có Lộc Quận công Hoàng Công Phụ (người làng Yên Ninh) và Nguyễn Đức Vinh (làng Phúc Tằng) từng đi sứ nhà Thanh.
Qua đấu tranh ngoại giao họ đã hoàn thành sứ mệnh và thể hiện được trí tuệ, khí phách người Việt với ý chí kiên cường bảo vệ nền độc lập, tự chủ, khẳng định tinh hoa văn hóa miền quê xứ Kinh Bắc.
Không chỉ giỏi về khoa cử, mảnh đất Việt Yên còn có nhiều danh tướng, võ quan đã có công lao to lớn với đất nước như: Hán Quận công Thân Công Tài, Quận công Dương Quốc Cơ…
Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, Việt Yên ngày nay có nhiều người trình độ học vấn cao, đã và đang giữ những chức vụ và đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực KT-XH, khoa học, nghệ thuật, quân sự trong cả nước như: GS.TS Nguyễn Thế Mịch, GS.TS Trần Vũ Thiệu, PGS.TS Diêm Đăng Thanh, PGS.TS Đỗ Văn Đại… Nhiều nhà thơ, nhà văn như: Hoàng Cầm, Đỗ Chu, Trần Ninh Hồ…
Tiếp nối và phát huy truyền thống quý báu của cha ông, Đảng bộ và nhân dân huyện Việt Yên luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần quan trọng. Cùng với phát triển kinh tế, huyện Việt Yên luôn quan tâm đặc biệt đến phát triển văn hóa, giáo dục. Hệ thống trường học được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, ngày càng mở rộng.
Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. 17/17 xã, thị trấn của huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Địa phương luôn dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng thi đầu vào lớp 10. Kết quả dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia ngày càng cao. Số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thân Văn Thuần
Ý kiến bạn đọc (0)