Vui hội quê hương
Đông đảo du khách thập phương về dự Lễ hội. |
Tuy trời mưa phùn nhưng lượng khách đổ về lễ hội rất đông. Để tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, Ban tổ chức (BTC) quan tâm tôn tạo không gian tổ chức lễ hội như lát đá xung quanh sân lễ hội, đường giao thông vào di tích được mở rộng thông thoáng.
Từ các hướng vào di tích, du khách có thể cảm nhận sự phong quang, sạch sẽ bởi mấy ngày trước đó, các xã lân cận huy động hàng trăm nhân công làm vệ sinh môi trường. Lực lượng chức năng, thanh niên tình nguyện được giao nhiệm vụ điều tiết giao thông, hướng dẫn du khách. Thanh niên xã Tự Lạn còn cấp phát nước, làm xe ôm miễn phí đưa khách từ quốc lộ 37 vào khu vực chùa Bổ Đà.
Thanh niên tình nguyện dọn vệ sinh tại lễ hội. |
Ngoài được toại tâm toại ý lễ Phật và vãn cảnh chùa, đến lễ hội lần này, mọi người còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Về nơi đất lành chốn thiêng". Với sự kết hợp hài hòa của ca, múa, nhạc, kịch, thơ, hoạt cảnh sân khấu, diễn kịch hình thể... chương trình đem lại cho người xem nhiều cảm xúc về bản sắc vùng quan họ Bắc sông Cầu. Cũng thu hút sự quan tâm của du khách là các gian hàng trưng bày thư pháp, sản phẩm làng nghề, trại giao lưu quan họ, sinh vật cảnh. Không giấu niềm phấn khởi, ông Dương Mạnh Sự, 64 tuổi, thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn (Việt Yên) cho biết, ông chưa bao giờ chứng kiến một lễ hội đông vui, hấp dẫn trên chính quê hương mình như vậy. Ông Sự khẳng định đây là niềm tự hào để người dân địa phương thêm trân trọng những di sản văn hóa quý giá của cha ông. Còn chị Lương Hồng Diệp, du khách đến từ huyện Bảo Thắng (Lào Cai) chia sẻ: "Trong dịp về thăm gia đình một người bạn tại Bắc Giang tôi mới được biết và đến chùa Bổ Đà. Ngôi chùa vừa đẹp, vừa cổ kính, linh thiêng. Mong địa phương tăng cường tuyên truyền, quảng bá để đông đảo du khách trong, ngoài nước biết đến".
Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chùa Bổ Đà. Ảnh: Đỗ Tập. |
Trước ngày khai hội, lãnh đạo huyện Việt Yên khẳng định quyết tâm trong việc tổ chức một lễ hội lành mạnh, không cờ bạc, trộm cắp, ăn xin, rác thải. Thực tế, điều này đã được thực hiện triệt để. Dễ nhận biết nhất là các hàng quán tạm bợ, lúp xúp mất mỹ quan trước cổng chùa đã được di chuyển ra nơi khác để trả lại không gian thoáng đãng cho di tích. Các cửa hàng đều niêm yết giá. Vấn đề rác thải, nhà vệ sinh từng là nỗi ám ảnh đối với du khách tại nhiều lễ hội nhưng ở Bổ Đà năm nay được đánh giá tốt. Hàng chục nhà vệ sinh lưu động được bố trí ở địa điểm thích hợp. Thanh niên tình nguyện đứng chốt ở nhiều vị trí, kịp thời thu gom rác thải đưa về nơi tập kết. Các bãi để xe bố trí ngăn nắp và thu phí đúng quy định. Hàng trăm học sinh, thanh niên tình nguyện phát miễn phí nước uống và hơn 20 nghìn tờ rơi, tờ gấp, bản đồ du lịch... Tất cả đều nỗ lực để mang đến cho du khách những ấn tượng tốt đẹp về lễ hội Bổ Đà cũng như quần thể di tích chùa Bổ Đà của quê hương.
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Nhiều người đến Bổ Đà đã ngạc nhiên bởi không ngờ ở một nơi khuất nẻo ấy còn bảo tồn một quần thể kiến trúc đồ sộ, độc đáo và cổ kính như vậy. Trước đây việc tuyên truyền, quảng bá về danh lam cổ tự này chưa nhiều nên ít người biết đến. Sau khi được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, tỉnh Bắc Giang cần kiện toàn bộ máy quản lý di tích cho phù hợp với tầm vóc mới. Cùng đó quy hoạch chi tiết đối với vùng biên, đây là điều kiện quan trọng để bảo vệ tốt vùng lõi di tích, đồng thời tạo cảnh quan hài hòa cho việc phát triển du lịch.
Với công tác tổ chức bài bản như vậy, tin rằng nhiều người sẽ còn muốn trở lại nơi đây. Những nỗ lực đáng trân trọng của tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Việt Yên nói riêng trong quá trình xây dựng hình ảnh đẹp của lễ hội sẽ là hành trang quan trọng trên con đường phát triển du lịch.
Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)