Vụ Sergei Skripal: Liệu đối đầu Nga - phương Tây có bị đẩy lên nấc thang nguy hiểm mới?
Cháu gái điệp viên Nga Sergei Skripal (ảnh trái) đặt giả thiết rằng, bố con ông Skripal có thể không bị đầu độc mà bị ngộ độc. |
Sóng ngầm sau cuộc chiến ngoại giao?
Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc đối đầu giữa Nga và các cường quốc phương Tây vẫn được giữ ở mức khủng hoảng ngoại giao khi hai bên thay nhau "ăn miếng trả miếng" bằng cách trục xuất số lượng lớn các nhà ngoại giao mỗi bên. Việc hơn 20 nước phương Tây đồng loạt trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao Nga thời gian qua cuối cùng cũng vượt quá sức chịu đựng của Nga. Moskva đã đáp trả bằng những biện pháp tương tự nhằm vào các nhân viên ngoại giao từ những nước này.
Dưới sức nóng của “cuộc chạy đua trục xuất”, không bên nào cho thấy dấu hiệu của sự kiềm chế. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau dường như trở thành chủ đạo trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây vào lúc này. Mặc dù sự nghi vấn về vụ đầu độc điệp viên nói trên vẫn chưa có lời giải song có một điều chắc chắn là danh tiếng của Nga đã bị tổn hại, trong khi liên minh giữa Mỹ và Liên minh châu Âu đã được củng cố và điều này đang đi theo đúng hướng mà Mỹ mong muốn. Bởi Mỹ vốn coi Nga là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự thống trị toàn cầu của họ và vì vậy muốn Nga phải chịu thêm nhiều trừng phạt.
Thực tế cho thấy vụ Skripal chỉ là "giọt nước làm tràn ly" cho mối quan hệ vốn không mấy phẳng lặng giữa Nga và phương Tây. Chiến dịch chống Nga lần này là kết quả của tất cả những chỉ trích của phương Tây nhằm vào Moskva. Vì những lý do đó, ngay cả khi không có được bằng chứng Moskva có liên quan đến vụ đầu độc điệp viên Skripal, khó có thể thấy EU hay Mỹ thay đổi chính sách đối với Nga.
Tại phiên họp bất thường mới đây của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OCW) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan), EU đã chính thức kêu gọi Moskva "trả lời những câu hỏi chính đáng của London và bắt đầu hợp tác với ban thư ký của OPCW để cung cấp thông tin đầy đủ". Có nghĩa là quan điểm chính thức của EU đã được xác lập. Anh không phải chứng minh Moskva "phạm tội" mà Nga phải tự bào chữa và chứng minh sự vô tội của mình.
Có thể giả định, tâm điểm các tuyên bố chính trị và cáo buộc thời gian tới đây sẽ nhanh chóng chuyển sang hướng đưa ra yêu cầu Nga cung cấp "thông tin đầy đủ và không che giấu" liên quan đến việc Nga có chương trình sản xuất chất độc "Novichok". Không ai quan tâm đến việc Nga đã nhiều lần phủ nhận chương trình này và cũng không ai quan tâm đến việc hoàn toàn không thể hiểu được vì sao Nga lại phải thuyết phục "dư luận tiến bộ" phương Tây rằng mình không có vũ khí hóa học và thậm chí không có cả các chất dự trữ dùng trong phòng thí nghiệm mà theo giả thuyết có thể được sử dụng trong vụ Skripal ở Solisbury vừa qua.
Thời gian tới, lời từ chối cung cấp "những gì không thể cung cấp" (tức là cái không tồn tại) của Nga sẽ được xem là hành động phá hoại và "không tôn trọng" OPCW, cũng như "các nguyên tắc luật pháp quốc tế". Việc này cũng có nguy cơ trở thành "cái cớ" để phương Tây triển khai những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Về phần Anh, có thể thấy nỗ lực điều tra chính sẽ tập trung chứng minh chất độc được sử dụng trong vụ Skripal có "nguồn gốc" từ Nga, hoặc là có sự xuất hiện của công dân Nga trong lúc vụ việc này xảy ra.
Đây cũng là lý do dẫn đến vụ khám xét máy bay của Hãng hàng không Nga Aeroflot tại sân bay Heathrow vừa qua. Có thể là lực lượng cảnh sát và hải quan Anh muốn tìm dấu vết của chất Novichok. Đồng thời cũng sẽ xuất hiện và phát triển bất kỳ giả thuyết nào về nguồn gốc của chất độc này nếu giả thuyết đó có gì đó liên quan đến Nga. Ví dụ, đã có giả thuyết cho rằng chất Novichok có trong bao kiều mạch (được chuyển từ Nga) cho ông Skripal. Và một "công dân đáng ngờ" của Nga cũng có mặt trong chuyến bay chở bao kiều mạch đó. Cũng có tin một khoản tiền bán bất động sản tại Anh đã được chuyển về Nga.
Tuy nhiên, những giả thuyết không phù hợp với "bức tranh" mà lãnh đạo Anh đã vẽ ra lại không được các nước phương Tây đề cập đến. Điều này sẽ khiến dư luận chung tin chắc rằng Nga là thủ phạm và từ đó rút ra kết luận: Cần phải đoàn kết hơn để chống "kẻ thù đáng sợ" là Nga. Kịch bản này sẽ chỉ chấm dứt khi Moskva và Washington đạt được một "thỏa thuận lớn" nào đó.
Một biện pháp trả đũa của Nga là đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở St Petersburg. |
Rung chuyển mạng lưới tình báo của Nga và phương Tây
Vụ đầu độc cựu gián điệp Nga Sergei Skripal ở Anh chỉ càng làm trầm trọng thêm những căng thẳng lâu nay giữa Nga và phương Tây. Nếu Washington và London thực thi các lệnh trừng phạt mới hoặc yêu cầu xem xét lại thị thực, Moskva cũng sẽ có các biện pháp trả đũa tương tự. Những cú đòn "ăn miếng trả miếng" cũng sẽ gây tác động lớn đến các hoạt động tình báo và phản gián của cả hai bên tranh chấp.
Do đó, sau một loạt sự kiện gần đây, tất cả các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ và Nga do số lượng người liên lụy rất lớn, sẽ chứng kiến tác động đáng kể lên cả hoạt động tình báo lẫn phản gián. Trên thực tế, hầu hết những nhà ngoại giao bị trục xuất đều là những gián điệp đội lốt ngoại giao và sự thiếu hụt nhân lực này sẽ gây sức ép rất lớn lên những nhân viên còn lại. Những nhân viên tình báo không có vỏ bọc chính thức hay không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao sẽ rơi vào thế đặc biệt bất lợi. Thời gian tới, có khả năng những nhân viên tình báo dạng này ở Nga và Mỹ sẽ phải gia tăng hoạt động để bù đắp cho sự thiếu hụt, tuyển mộ nhân viên mới và chăm sóc những đầu mối cũ.
Xét ở góc độ công tác phản gián, các vụ trục xuất mới đây đã giải phóng những nguồn lực lớn. Các cơ quan phản gián của Mỹ và Nga giờ đây bớt được 60 đối tượng và 1 cơ sở cần phải giám sát, có nghĩa là họ có thể dành những tài sản như nhân viên, êkip do thám và công nghệ, cho những ưu tiên khác; họ có thể giám sát chặt chẽ hơn những mục tiêu đã xác định và săn lùng ráo riết hơn những nhân viên không có vỏ bọc chính thức hay không được hưởng quyền miền trừ ngoại giao.
Những người dân bị mắc kẹt trong cuộc chiến tình báo ngày càng lan rộng, sẽ bị quản lý khắt khe hơn, nhất là những người đi công tác, khách du lịch, nhân viên các tổ chức phi chính phủ và nhà báo. Các lực lượng an ninh ở phương Tây sẽ chú ý hơn tới du khách đến từ Nga và Nga cũng làm như vậy đối với những du khách phương Tây. Những cá nhân bị tình nghi là gián điệp sẽ bị theo dõi và các phương tiện liên lạc điện tử của họ sẽ bị giám sát. Cơ quan phản gián địa phương cũng có thể thẩm vấn trực tiếp những người bị tình nghi nhằm mục đích hăm dọa những người này hoặc cảnh báo rằng họ đang nằm trong diện bị theo dõi.
Những thực tế kể trên sẽ tạo thêm khó khăn cho những nhà phụ trách an ninh của những công ty tài trợ cho Vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra tại Nga. Và những du khách nước ngoài đến Mỹ, Anh và các quốc gia NATO sẽ bị giám sát nếu như hồ sơ của họ có chi tiết dính đến người Nga. Những công ty và tổ chức phương Tây hoạt động tại Nga, cũng như những đối tác Nga của họ làm việc tại phương Tây, sẽ phải thích nghi với cuộc chiến tình báo.
Cho dù quan hệ Nga và phương Tây đang tiến gần tới ngưỡng Chiến tranh Lạnh nhưng giới quan sát cho rằng mối quan hệ này không phải hoàn toàn tuyệt vọng. Trong những năm gần đây, EU đã bắt đầu suy nghĩ về những thiệt hại do việc áp đặt trừng phạt với Nga, đặc biệt khi một số lãnh đạo EU thừa nhận trừng phạt Nga sẽ đi ngược lại lợi ích quốc gia và người dân của mình. Bản thân nhiều nước EU hiểu rõ họ cũng là nạn nhân của những biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga. Thực tế, một số nước EU đã bắt đầu thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Mosva. Đức đã bày tỏ sự sẵn sàng nối lại đối thoại với Nga và tái xây dựng lòng tin song phương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng xác nhận rằng ông muốn đến thăm Nga vào tháng 5 tới. Một số nước khác thậm chí còn cho biết họ sẽ cho phép Nga điều các nhà ngoại giao khác đến nước sở tại thay vì trục xuất họ.
Mặt khác, vẫn còn không gian cho sự hợp tác giữa Nga và các nước phương Tây trong một loạt vấn đề cấp bách trên bình diện quốc tế, chẳng hạn như các cuộc đàm phán hòa bình Syria, Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố. Việc duy trì các mối quan hệ với Nga cùng lúc gây áp lực mạnh mẽ nhằm kiềm chế Moskva có lẽ sẽ là cách lựa chọn của phương Tây vào lúc này.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)