Vụ đầu độc Sergei Skripal: Cái kết của kẻ phản bội
Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal. |
Cha con Sergei Skripal bị đầu độc ra sao ?
Ngày 8-3, AFP dẫn nguồn tin của Mark Rowley, đại diện cảnh sát đô thành Anh cho biết, cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, cùng con gái Yulia Skripal, 33 tuổi đã trở thành nạn nhân của một vụ mưu sát bất thành bằng một loại chất độc thần kinh. Cả hai nằm bất tỉnh trên ghế băng tại một trung tâm thương mại ở TP Salisbury thuộc vùng Wiltshire trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì nghi “nhiễm chất lạ”.
Ngoài hai cha con người bị hại, một sĩ quan cảnh sát, người đầu tiên có mặt tại hiện trường cũng đang ở trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm độc và 2 cảnh sát đến sau bị nhiễm độc nhưng ở mức nhẹ. Nhiều nguồn tin cho hay, thuốc độc dùng để đầu độc có thể là Thallium không màu, không mùi và không vị, hoạt hóa rất chậm. Người bị nhiễm độc thallium có thể bị mù hoặc tử vong trong vòng vài giờ đến vài tuần. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do tổn thương thận, thần kinh và tim, nếu chưa đến mức tử vong thì phải mất nhiều tháng mới hồi phục.
Ngay sau khi sự kiện xảy ra, cảnh sát Anh đã phong tỏa địa điểm tại Salisbury. Trợ lý Cảnh sát trưởng Wiltshire, Craig Holden cho hay cảnh sát đô thành đang khẩn trương điều tra nguyên nhân nhưng đã bác bỏ lời đồn, đây là vụ tấn công khủng bố bằng khí sinh học.
Anh và Nga trả đũa nhau nhân sự kiện Sergei Skripal bị đầu độc. |
Điệp viên nhị trùng Sergei Skripal là ai ?
Điệp viên nhị trùng hay điệp viên hai mang là thuật ngữ Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) dùng để gọi đích danh điệp vụ Sergei Skripal. Sergei Skripal sinh ngày 23-6-1951, từng là sĩ quan quân đội Nga với hàm đại tá. Thời hoàng kim, Skripal được mệnh danh là “điệp viên chuột túi”. Tuy nhiên, vào năm 2004 Skripal lại bị bắt giữ vì tội buôn thông tin nhạy cảm với cơ quan tình báo Anh, MI6. Skripal bị cáo buộc bắt đầu làm việc cho MI6 vào cuối những năm 90 ở thế kỷ trước, chuyển những bí mật quốc gia cho người của MI6 theo cách làm như Điệp viên 007 và nhận về 100.000 mỹ kim từ các nguồn tin tình báo và bí mật này, kèm thêm 3.000 USD tiền thưởng mỗi tháng.
Theo trang tin Lenta.ru của Nga, Skripal bắt đầu cuộc đời binh nghiệp tại VDV (Đội quân nhảy dù của Nga) giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nổi tiếng là quân nhân có tính kỷ luật và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, từng có mặt tại các điểm nóng và lập được nhiều công trạng. Sau đó Skripal được điều động làm việc tại GRU, năm 2003 giải ngũ rồi làm việc tại Bộ ngoại giao Nga một vài năm.
Skripal được MI6 tuyển mộ nhân chuyến công tác nước ngoài. Khi có mặt tại Anh, có 2 người Anh đến tiếp cận và đề nghị Skripal làm việc cho Nữ hoàng, Skripal hầu như không do dự, đồng ý ngay. Các quan chức tình báo Anh tiết lộ, chính Skripal đã xác định được danh tính 300 gián điệp của Nga. Trong phiên tòa năm 2006, Skripal bị kết án 13 năm tù, bị tước mọi danh hiệu và sau đó sang sinh sống tại Anh sau khi Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev ký thỏa thuận trao đổi gián điệp với Mỹ năm 2010.
Skripal, cựu điệp viên Tổng cục tình báo quân đội Nga (GRU) đã được trao lại cho Anh trong cuộc trao đổi điệp viên theo kiểu Chiến tranh Lạnh vào năm 2010 ở phi trường Vienna. Sau khi bị giam 4 năm tại Nga về tội làm gián điệp cho MI6, Skripal là một trong 4 điệp viên nhị trùng người Nga được đổi lấy 10 điệp viên của Nga bị trục xuất khỏi Mỹ, kể cả con gái của nhà ngoại giao nổi tiếng của Manhattan, Anna Chapman.
Chất độc Novichok có thể có nguồn gốc từ Mỹ, Anh, Slovakia, Thụy Điển hoặc CH Séc từ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước. |
Tranh cãi sau vụ đầu độc Sergei Skripal
Theo VOA, vụ đầu độc đang được so sánh với vụ Alexander Litvinenko, một nhân vật công khai chỉ trích Tổng thống Putin, nhân viên tình báo KGB Nga sang làm cho Anh, đã chết một cách đau đớn vài ngày sau khi uống trà pha với chất phóng xạ poloniium-210 tại một khách sạn ở London năm 2006. Các bác sĩ Anh đã phải rất khó khăn mới xác định được chất độc giết chết điệp viên này. Giới chuyên gia nhận định, nếu thật sự ông Sergei Skripal bị đầu độc thì đây là vụ việc đầu độc mới nhất y như kiểu thời Chiến tranh Lạnh.
Mới đây, hôm 15-3, hãng tin RT cho hay, một thông cáo chung do Anh, Mỹ, Pháp, Đức soạn thảo và công bố cho biết Sergei Skripal và con gái Yulia đã bị đầu độc bởi “một chất độc thần kinh quân sự do Nga phát triển”. Thông báo còn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên chất độc thần kinh này được sử dụng ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II kết thúc và là hành động vi phạm Hiệp ước Vũ khí Hóa học (CWC) cũng như luật pháp quốc tế. Mỹ, Pháp và Đức cũng ủng hộ lập trường của Anh cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về “vụ tấn công” nói trên. Thủ tướng Anh Theresa May nói chất hóa học dùng để mưu sát cha con cựu điệp viên Skripal là Novichok.
Trước tuyên bố trên, ngày 14-3 tờ The Daily Beast của Mỹ còn tiết lộ, người biết khá rõ mối nguy hiểm của Novichok là Vil Mirzayanov, một nhà khoa học và sau đó là người đứng đầu Phân ban Trí tuệ Counterintic Intelligence thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Công nghệ Hóa học và Công nghệ Hữu cơ (GosNIIOKhT) ở Moscow những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, khẳng định Novichok được chế ra với tên gọi mỹ miều tác nhân thần kinh nhị phân Novichok (kẻ mới đến).
Vụ việc ngay lập tức bùng lên nhiều tranh cãi, ai đứng sau vụ tấn công nói trên?. Giới truyền thông Anh và nhiều chuyên gia chĩa mũi vào Nga. Anh cho rằng vụ đầu độc đe dọa đến toàn bộ hệ thống an ninh và gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao. Trong thông điệp gửi đến Moscow, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson còn nhấn mạnh: “Nếu bằng chứng cho thấy Nga liên quan, chính phủ của Hoàng gia Anh sẽ đáp trả hợp lý và mạnh mẽ. Các lãnh đạo tình báo Anh cũng cho rằng, Nga là nghi phạm chính trong vụ việc này". Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, cắt giảm mối quan hệ với Nga và đóng băng các tài sản công của Nga tại Anh.
Về phần mình, ngoài việc hợp tác với Anh để hỗ trợ điều tra vụ việc liên quan nếu được đề nghị, Nga còn lập tức bác bỏ những cáo buộc nói trên. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin nói với Hội đồng An ninh Nga rằng ông “cực kỳ quan ngại” trước các động thái của Anh và nhận định đây là lập trường “khiêu khích và mang tính phá hoại” của London. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Nga sẽ đáp trả lại phía London, bà kêu gọi Anh nên điều tra kỹ lưỡng vụ việc thay vì kết tội Nga một cách vội vã. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga cũng bình luận, gần đây Anh đang có xu hướng gắn tất cả mọi diễn biến với khả năng không tham gia Vòng chung kết bóng đá thế giới 2018 sẽ diễn ra tại Nga. Đại sứ quán Nga tại Anh cũng cho rằng, phản ứng của London trong vụ việc này cho thấy họ sẵn sàng bắt đầu chiến dịch mới chống Moscow.
Đến nay còn nhiều luồng ý kiến trái chiều, rất có thể đây là “sản phẩm” của MI6 nhằm đổ vấy trách nhiệm cho Nga. Theo Sputnik, Bộ Ngoại giao Nga đã quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh để trả đũa, tất cả đều thuộc diện “không được chào đón” tại Nga. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga còn thông báo hoạt động của Hội đồng Anh ở Nga cũng bị đình chỉ. Cũng theo Sputnik, ngày 17-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng chất độc Novichok, bị nghi sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal có thể có nguồn gốc từ Mỹ, Anh, Slovakia, Thụy Điển hoặc Cộng hòa Séc bởi đây là những quốc gia tập trung phát triển, nghiên cứu các hóa chất nằm trong dự án Novichok ra đời từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Trung tướng William Rooda, người từng có thời gian công tác trong ngành tình báo Nga nhận định, Skripal có thể mang tư thù cá nhân với nhiều người vì bản thân ông đã tiết lộ danh tính của hàng chục điệp viên Nga cho MI6. Vụ tấn công nhắm vào cha con Skripal rõ ràng là một việc làm không chuyên, nếu chuyên nghiệp thì mục đích không phải để giết ông Skripal mà là để gây ra một vụ bê bối quốc tế.
Kim Hùng (Theo TCU/BBC/TDC - 3/2018)
Ý kiến bạn đọc (0)