Vinh danh bảo vật quốc gia
Du khách tham quan vườn tháp chùa Bổ Đà. |
PV: Xin ông cho biết điểm nhấn tại Lễ hội chùa Bổ Đà năm nay?
Ông Nguyễn Đại Lượng: Cuối năm vừa rồi, huyện Việt Yên đón tin vui khi mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận bảo vật quốc gia; được xác lập là cổ nhất thế giới. Điểm nhấn là ngày 31-3 (tức 15-2 Âm lịch) sẽ tổ chức Lễ đón nhận Quyết định công nhận bảo vật quốc gia và khai hội chùa Bổ Đà năm 2018. Huyện bố trí triển lãm các tác phẩm ký họa về chùa; trưng bày 50 ván kinh tiêu biểu đặt tại các vị trí khác nhau trong khu vực chùa Bổ Đà.
Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên |
Với quan điểm là huy động tối đa các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức lễ hội, góp phần tiết kiệm ngân sách cho địa phương. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang khẩn trương dựng gian hàng để quảng bá sản vật nông nghiệp công nghệ cao; bánh đa nem, bánh đa Thổ Hà, rượu Vân Hà, mây tre đan Tăng Tiến... Huyện cũng bố trí không gian trình diễn quan họ đối đáp, trưng bày ảnh tư liệu chủ đề “Việt Yên hướng tới huyện nông thôn mới”, giới thiệu một số sản phẩm công nghiệp nhẹ của địa phương. Từ ngày 1 đến 3 - 4, UBND huyện phối hợp với nhà chùa tổ chức buffet chay miễn phí phục vụ du khách thập phương. Hơn 1 nghìn tờ rơi giới thiệu về di tích lịch sử chùa Bổ Đà cũng đã sẵn sàng để lực lượng đoàn viên thanh niên gửi tới bà con, du khách khi vãn cảnh chùa.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về bảo vật quốc gia mộc bản chùa Bổ Đà?
Ông Nguyễn Đại Lượng: Chùa Bổ Đà được xây dựng từ thế kỷ 11 (nhà Lý) khi Phật giáo ở nước ta đang trong giai đoạn thịnh trị. Sau đó, những cuộc chiến tranh liên miên suốt nhiều thế kỷ đã tàn phá nặng nề ngôi chùa. Phải đến thời vua Lê Dụ Tông (1705-1729) niên hiệu Bảo Thái, chùa Bổ Đà mới được dựng lại và có hình hài như ngày nay.
Thời các đời sư: Chiếu Không, Viên Lãng, Phổ Thuần, Phả Chiếu... đã san khắc 84 bộ kinh Phật, chuyển đến các chùa: Bồ Sơn (Bắc Ninh), chùa Trăm gian (Hải Dương)… để giảng. Hiện, chùa Bổ Đà còn lưu giữ 24 bộ ván kinh Phật với gần 2 nghìn mộc bản cổ bằng gỗ thị. Trên những tấm mộc bản đó, các vị tổ sư đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng. Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Gồm các bộ kinh tiêu biểu như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy. Mộc bản chùa Bổ Đà có niên đại giữa thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XX.
Chương trình Lễ hội chùa Bổ Đà năm 2018 (từ ngày 30-3 đến 3-4): * Ngày 30-3 (tức 14-2 Âm lịch) * Ngày 1 và 2-4 (tức 16 và 17-2 Âm lịch) * Ngày 3-4 (tức 18-2 Âm lịch) |
PV: Được biết, năm nay huyện chủ trương tổ chức lễ hội “sạch”, văn minh với 5 “không”, ông có thể cho biết thêm về những nội dung này?
Ông Nguyễn Đại Lượng: Hiện nay, huyện huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường khu vực tổ chức lễ hội. Đơn vị tổ chức sự kiện chuẩn bị lắp đặt sân khấu. Dự kiến sẽ có hơn 2 nghìn chỗ ngồi cho khách tham dự lễ khai hội. Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện treo hàng trăm pano tại các trục đường chính trên địa bàn; Đài Truyền thanh huyện tăng thời lượng phát sóng về chương trình lễ hội.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng lễ hội văn minh, huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm “5 không” là: Không rác; không có ăn xin, ăn mày; không trộm cắp; không chặt chém; không có trò chơi ăn tiền, cờ bạc. UBND huyện chỉ đạo Huyện đoàn bố trí 100 thanh niên tình nguyện/ngày dọn vệ sinh, thu gom rác thải tại lễ hội. Xã cử lực lượng nhắc nhở, đưa đối tượng ăn xin vào phòng chăm sóc, hỗ trợ ăn uống, không để xuất hiện ở khu vực chùa. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ tại lễ hội gồm: Trông xe, bán hàng, nhà nghỉ… phải niêm yết giá công khai theo quy định. Huy động gần 200 chiến sĩ công an các cấp tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
PV: Để phát huy hết những giá trị lịch sử văn hóa của chùa Bổ Đà, ông có mong muốn điều gì với người dân và du khách thập phương?
Ông Nguyễn Đại Lượng: Thứ nhất, huyện Việt Yên luôn xác định lễ hội chùa Bổ Đà là một trong những sự kiện lớn nhất, đặc biệt quan trọng của địa phương. Do vậy công tác bảo tồn luôn được coi trọng và là việc làm thường xuyên để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho cả thế hệ mai sau. Xây dựng lễ hội chùa Bổ Đà xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Huyện Việt Yên luôn sẵn sàng chào đón du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự lễ hội, cùng nhau chung tay xây dựng hình ảnh đẹp, văn minh trong hội chùa Bổ Đà và không ngừng truyền tải thông điệp, quảng bá văn hóa Việt Yên tới đông đảo bạn bè trên cả nước.
Hoài Thu (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc (0)