Việt Yên: Tổ chức Lễ an vị tượng thờ Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung
Theo nhiều tài liệu, sử sách ghi chép lại, Thân Nhân Trung (1418-1499), tự là Hậu Phủ, người làng Yên Ninh, tên Nôm làng Nếnh, huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc; nay là tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên). Ông đỗ Hội nguyên khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (năm 1469), dưới triều vua Lê Thánh Tông. Sau khi đỗ đạt, Thân Nhân Trung được bổ vào Hàn lâm viện thị độc, sau thăng lên Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Việt Yên cùng các đại biểu làm Lễ an vị tượng thờ Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung. |
Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông đánh giá cao về đức độ và tài năng. Ông đã nhiều lần được cử làm Độc quyển cho các kỳ thi chọn tiến sĩ như: Khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (năm 1475); khoa thi năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (năm 1490); khoa thi năm Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (năm 1493); khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (năm 1496).
Quan điểm xem trọng hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia là tư tưởng luôn thường trực trong ông. Với tài đức và uy tín của mình, Thân Nhân Trung đã được vua Lê Thánh Tông lựa chọn và trao trọng trách soạn bài văn bia đề tên Tiến sĩ khoa thi đầu tiên dưới thời Lê sơ là khoa Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 (năm 1442).
Trong bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất này, Thân Nhân Trung đã đề ra một luận điểm quan trọng thể hiện tư tưởng về văn hóa - giáo dục của ông: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc thánh đế, minh vương, không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên…”. Luận điểm ấy đã được khẳng định trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, cho đến ngày nay và mai sau vẫn còn nguyên giá trị.
Tượng Danh nhân văn hóa Tiến sĩ Thân Nhân Trung. |
Đền thờ Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung là một công trình tín ngưỡng, văn hóa được xây dựng trên chính quê hương của ông, thể hiện sự tri ân sâu sắc của hậu thế đối với bậc “Danh nho trùm đời” có công lao to lớn đối với quê hương, đất nước. Việc xây dựng đền thờ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án tại Quyết định số 1964/QĐ-UBND ngày 29/10/2015 và được khởi công vào năm 2016.
Công trình thiết kế theo kiến trúc của đình, đền cổ truyền Việt Nam trên khuôn viên khoảng 2,5 ha, gồm các hạng mục: Đền thờ Thân Nhân trung, tượng đài Thân Nhân Trung, sân hành lễ, nhà bia, tháp bút, lầu bát giác, tả hữu vu, gác chuông, gác trống, nghi môn nội, nghi môn ngoại, hồ bán nguyệt, cây xanh cảnh quan và các công trình phụ trợ khác. Đến nay, các hạng mục chính của công trình cơ bản hoàn thành.
Tượng thờ Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung được làm bằng chất liệu đồng đỏ hợp kim, cao 1,44 m.
Việc tổ chức Lễ an vị tượng thờ Danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến, hiếu học, khoa bảng của tỉnh Bắc Giang; quảng bá, giới thiệu về các giá trị lịch sử văn hóa của địa phương, thu hút khách tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện.
Ý kiến bạn đọc (0)