Việt Nam thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt
Vaccine Covid-19 dạng xịt do Đại học Hong Kong, Đại học Hạ Môn phối hợp với Công ty Dược phẩm sinh học Wantai Bắc Kinh nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Đại học Hạ Môn |
Bà Trịnh Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế, Viện Pasteur Nha Trang, ngày 1/4 cho biết thời gian tuyển tình nguyện viên đến hết ngày 30/4. Tình nguyện viên phải khỏe mạnh hoặc bệnh nhẹ đã điều trị ổn định, tiêm liều vaccine Covid-19 cuối cùng cách đây ít nhất 3 tháng, chưa mắc Covid-19 và sẵn sàng tuân thủ các lần thăm khám theo kế hoạch của nghiên cứu.
Người tình nguyện sẽ được sử dụng vaccine hoặc giả dược hai lần, mỗi lần cách nhau 14 ngày. Sau đó, họ theo dõi sức khỏe trong một năm với 4 lần thăm khám định kỳ, được hỗ trợ 600.000 đồng cho một lần thăm khám.
Theo bà Thủy, vaccine đang thử nghiệm là của Trung Quốc, dạng phun sương xịt mũi, sản xuất theo công nghệ vector virus. Ưu điểm của loại vaccine này là đường dùng ít xâm lấn.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thử nghiệm lâm sàng vaccine dạng phun sương qua đường mũi. "Vaccine này đã thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, chứng minh được tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch; thử nghiệm giai đoạn ba tại Việt Nam, Colombia, Philippines, Nam Phi, Indonesia", bà Thủy cho biết.
Tại Việt Nam, vaccine được cơ quan quản lý các cấp và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh (Bộ Y tế) xem xét, phê duyệt. Bà Thủy kỳ vọng vaccine được nghiên cứu tốt và đăng ký thành công ở Việt Nam, từ đó thêm nhiều lựa chọn vaccine liều bổ sung hoặc nhắc lại.
Theo CGTN, vaccine dạng xịt này do Đại học Hong Kong, Đại học Hạ Môn phối hợp Công ty Dược phẩm sinh học Wantai Bắc Kinh nghiên cứu, phát triển. Giới chức Trung Quốc chấp thuận thử nghiệm lâm sàng vaccine này từ tháng 9/2020.
Trên thế giới chỉ có một số nghiên cứu vaccine dạng xịt như: AstraZeneca, Đại học Oxford của Anh; Trung Quốc (vaccine dạng hít Ad5-nCoV), Nga (vaccine Sputnik V). Các nhà khoa học tại Đại học British Columbia và Đại học Cornell nghiên cứu loại thuốc xịt mũi điều trị Covid-19, đã thử nghiệm hiệu quả trên chuột.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)