Viễn cảnh u ám của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Ảnh minh họa. |
Tình hình có dấu hiệu leo thang khi chỉ vài ngày sau đó, Chính phủ Mỹ xác nhận chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị công bố danh sách các hàng hóa bổ sung của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD phải chịu thuế của Mỹ. Quyết định được đưa ra sau khi hai bên không đạt được nhất trí về một giải pháp cho các tranh chấp thương mại hiện nay sau khi thương lượng.
Rủi ro khó lường cho quan hệ Trung - Mỹ
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ của Trung Quốc và Washington sẽ mất khoảng 2 tháng để hoàn thiện danh sách mới. Sau đó, Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc đánh thuế số hàng hóa này. Trước đó, Tổng thống Trump cảnh báo rằng Washington sẵn sàng tăng thuế nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa.
Nếu cảnh báo này được hiện thực hóa, tổng giá trị hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017 là 506 tỷ USD. Động thái của Mỹ rõ ràng sẽ đẩy cuộc chiến thương mại quy mô lớn nhất trong lịch sử kinh tế nhân loại lên nấc thang mới và khiến không ít người phẫn nộ.
Hãng BBC nhận định trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu tất nhiên đứng trước nhiều rủi ro nhất, song câu chuyện không chỉ có vậy. Nhà kinh tế học Taimur Baig, hiện làm việc cho Tập đoàn DBS, cho rằng cuộc chiến thương mại toàn diện có thể sẽ khiến GDP trong năm nay của Trung Quốc và Mỹ giảm 0,25%. Chuyên gia Taimur Baig nói: “Xét đến mức tăng kinh tế của Trung Quốc là 6-7%, Mỹ là 2-3%, chúng tôi cho rằng Mỹ sẽ là nước chịu nhiều thiệt hại hơn Trung Quốc. Do chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, các nước và khu vực trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đều sẽ bị tác động. Rút cuộc, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải tốn nhiều tiền hơn khi mua hàng hóa”. Ông Xulio Rios cho rằng các quốc gia khác có thể tìm cách ứng phó với những nguy cơ này bằng cách đa dạng hóa các đối tác thương mại nhằm hạn chế rủi ro, củng cố nhận thức chung đối với các vấn đề quản trị toàn cầu, cùng chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa biệt lập.
Có chuyên gia cho rằng nước Mỹ ngày nay, dù là xét trên khía cạnh đồng USD hay các ngành nghề khoa học công nghệ cao, người ta đều thấy có động lực bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo chuyên gia này, nếu Mỹ muốn kéo dài vô hạn cuộc chiến thương mại, thì đồng nghĩa với việc họ tự cắt đứt nguồn thu của mình, và kết quả tất yếu là thất bại. Trong khi đó, chính sách thương mại mang tính bảo hộ của Mỹ đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, và chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chắc chắn sẽ bị cả thế giới cô lập.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ kéo theo nhiều rủi ro khó lường cho quan hệ Trung - Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Sự bùng nổ của nó chắc chắn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới cả hai nền kinh tế hàng đầu này và khiến hai bên mất đi 5 lợi ích tiềm tàng to lớn. Thứ nhất, Mỹ và Trung Quốc sẽ mất đi không gian rộng mở trong các hợp tác tương lai. Thứ hai, thiệt hại trong phân công chuỗi ngành nghề toàn cầu là điều khó tránh khỏi. Thứ ba, cuộc chiến thương mại vô hình trung sẽ khiến thế giới mất đi cơ hội quan trọng để phục hồi kinh tế và hồi sinh đà tăng trưởng. Thứ tư, uy tín và tính ràng buộc của trật tự cùng các quy tắc quốc tế được hình thành trong nhiều năm qua sẽ bị ảnh hưởng và gây xáo trộn cho nền kinh tế thế giới. Thứ năm, điều quan trọng nhất là cuộc chiến thương mại sẽ khiến Mỹ mất đi lợi ích đáng kể từ thị trường to lớn của Trung Quốc.
Châu Á và Việt Nam bị ảnh hưởng?
Trước hết, nhìn vào những loại hàng hóa bị đánh thuế, có thể thấy các biện pháp thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào máy móc, máy nông nghiệp và máy xây dựng, thiết bị điện tử, vận tải và viễn thông cũng như thiết bị chính xác.
Trong khi đó, Trung Quốc áp thuế trả đũa vào các mặt hàng nông sản, ôtô và thủy sản. Trung Quốc là nước nhập khẩu đỗ tương lớn nhất từ Mỹ.
Báo Straits Times cho rằng Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là những nền kinh tế châu Á chịu rủi ro nhiều nhất từ cuộc chiến mới này. Đây cũng là nhận định của Ngân hàng Phát triển Singapore DBS. Theo đó, Hàn Quốc có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế giảm 0,4% trong năm 2018, Malaysia và Đài Loan có thể giảm 0,6%, còn Singapore là 0,8%. Mức độ tác động có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2019.
Trong khi đó, nếu xét về giá trị bổ sung được đưa vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ nước cung cấp nguồn đầu vào, thì số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Đài Loan là chịu tác động nhiều nhất, theo sau là Malaysia, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Có nhiều biến số để xem xét mức độ tác động. Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác kinh tế chính của Hong Kong. Tuy nhiên, nền kinh tế của Hong Kong chủ yếu dựa vào dịch vụ, vốn không phải chịu đòn thuế quan. Trong khi đó, một nền kinh tế như của Việt Nam có thể cảm nhận tác động nhiều hơn. Vì Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng rất mở (có nghĩa là phụ thuộc vào xuất nhập khẩu: Năm 2017 xuất khẩu của Việt Nam là 214 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 211 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam khoảng trên 220 tỷ USD). Do đó, các biến động trên thị trường thế giới sẽ có tác động lên Việt Nam, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam cạnh tranh. Hàng hoá Trung Quốc xuất sang Mỹ bị đắt hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ngoài ra, việc đồng tiền Nhân dân tệ rớt giá, hàng hoá của Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với hàng Việt Nam trên thị trường thế giới, sẽ làm xuất khẩu Việt Nam gặp thêm khó khăn. Do vậy, nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây sức ép rất lớn lên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Về trung và dài hạn, tăng tốc cải cách kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại với châu Âu và các nước khác là cách giảm thiểu rủi ro khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Có thể nói sau hơn 10 năm gia nhập WTO và trải qua một số sóng gió ban đầu, Việt Nam đang gặt hái nhiều lợi ích của hệ thống này trong vài năm gần đây. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành quốc gia có độ mở kinh tế hàng đầu thế giới, đang hội nhập vào hệ thống cung ứng toàn cầu, đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Tất cả những thuận lợi này có thể bị đảo lộn nếu các trật tự/thể chế kinh tế chính trị thế giới tan vỡ chỉ vì chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trở lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dù sao đây vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến. Mỹ và Trung Quốc đang thử thách lòng kiên nhẫn của nhau. Vẫn còn quá sớm để nhận định liệu quyết định của ông Trump khai hỏa chiến tranh thương mại Trung Quốc, thậm chí cả với EU và các nước láng giềng Bắc Mỹ sẽ thành công hay không. Cần phải đợi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa để có thể đưa ra nhận định. Họ cũng cần phải tính đến vấn đề kinh tế tổng thể cũng như các yếu tố khác chi phối sự thành công của ông Trump. Ngoài ra, cần lưu ý là khi một vài hay hàng chục công ty đóng cửa, sa thải nhân viên hoặc thay đổi cơ sở sản xuất thì đây là đau đớn trước mắt đối với những người lao động trực tiếp, song lại có thể là cái giá để tạo ra công ăn việc làm ở những ngành nghề khác hoặc tạo nên một cán cân thương mại tốt hơn. Và đây chính là mục tiêu mong muốn của ông Trump.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)