Về Việt Yên là mê quan họ
Lần đầu tiên được chứng kiến những cô bé, cậu bé điệu đàng nón thúng quai thao, mớ ba mớ bảy... khiến tôi thích thú. Đặc biệt là những gương mặt rạng ngời hồn nhiên, những cái miệng uốn cho tròn vành rõ chữ theo từng điệu hát trông thật đáng yêu.
Có một thông tin rất thú vị, dịp ấy, vừa tròn 3 năm dân ca quan họ vùng Kinh Bắc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với 49 làng quan họ cổ, trong đó có 44 làng ở bờ Nam sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh và 5 làng ở bờ Bắc đều thuộc huyện Việt Yên. Sự kiện ấy như tiếp thêm lửa cho tình yêu quan họ của nhân dân Kinh Bắc nói chung, huyện Việt Yên nói riêng. Và “Trại hè quan họ” là một trong những hoạt động văn hóa trong chương trình bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ của huyện nhà.
Hát quan họ ở xã Vân Hà (Việt Yên). |
Lần ấy, tôi đã gặp, hỏi chuyện một số nghệ nhân và giáo viên phụ trách “Trại hè quan họ”, trong đó có cô Dương Thị Hoài Thu - giáo viên âm nhạc, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học thị trấn Bích Động, Ủy viên Hội đồng Đội huyện Việt Yên. Cô Thu cho biết, đây là mô hình do Huyện đoàn và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với doanh nghiệp Bagico trên địa bàn tổ chức đã ba năm nay. Năm đầu tiên có khoảng 50 cháu thuộc khu vực thị trấn Bích Động tham gia, năm thứ ba tăng lên gần 200 cháu thuộc nhiều xã ven thị trấn. Trong vòng hai tháng với khoảng 40 buổi học, các cháu được tìm hiểu về các làn điệu dân ca Bắc Bộ, chủ yếu học về dân ca quan họ, huấn luyện các kỹ năng sống, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường... Kết thúc trại hè, các cháu có một ngày dã ngoại tham quan một làng quan họ cổ và đặc biệt có cuộc hội diễn dân ca, như là buổi biểu diễn báo cáo kết quả sau 2 tháng dự trại. Chi phí cho các hoạt động trên đây đều do các doanh nghiệp “Mạnh thường quân” trong huyện ủng hộ.
“Vừa dạy học, vừa làm Tổng phụ trách Đội lại tham gia hướng dẫn Trại hè, hẳn cô giáo phải xoay như chong chóng?”. Tôi hỏi vui, cô Thu hào hứng trả lời: “Đúng là mệt nhưng vui vì xây dựng được phong trào văn hóa, lại có việc làm thêm đúng sở trường sở đoản. Xưa nay các môn nhạc - họa ở trường phổ thông vẫn bị coi là “môn phụ”, mùa hè giáo viên như chúng em chẳng biết làm gì”.
Mô hình “Trại hè quan họ” cùng lời tâm sự của cô giáo trẻ khiến tôi nhớ mãi. Một ngày cuối năm 2022 vừa qua, tôi về lại Việt Yên và thật thú vị khi Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, và Thể thao huyện lại chính là Dương Thị Hoài Thu - cô giáo trẻ đã gặp 10 năm trước. Qua câu chuyện với cô Thu, tôi được biết mô hình “Trại hè quan họ” của Việt Yên vẫn dược duy trì đến nay nhưng nội dung và hình thức đã có nhiều thay đổi. Cụ thể là ngoài chương trình học trong hai tháng nghỉ hè, hằng tuần các cháu còn có một buổi học online quan họ tại nhà vào tối Chủ nhật. Chương trình học do Trung tâm biên soạn, với sự tham gia của các nghệ nhân địa phương hoặc các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thêm một nét mới nữa là hiện nay các trường phổ thông trong huyện đều thành lập câu lạc bộ (CLB) quan họ để sinh hoạt ngoại khóa và tham gia liên hoan kết thúc các “Trại hè quan họ”. Những cuộc liên hoan này còn mở rộng đối tượng từ các huyện khác cùng tham gia.
Còn nhớ lần trò chuyện cách nay 10 năm, cô giáo Dương Thị Hoài Thu đã say sưa nói về Đề án bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa quan họ trong trường học của ngành giáo dục huyện mà cô là đồng tác giả. Lần này, như để “khoe khéo” về hiệu quả của Đề án, cô Thu bố trí cho tôi về xã Minh Đức gặp cháu Lê Thị Ngọc Anh, mới 10 tuổi nhưng đã tham gia CLB quan họ thiếu nhi ở địa phương 5 năm; tham gia nhiều cuộc liên hoan dân ca quan họ các cấp và đã giành được 1 giải A của huyện, 1 giải A của tỉnh và 1 Huy chương Bạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngắm nhìn cô bé lớp 5 điệu đà trang phục liền chị đang hát tặng khách bài “Lý cây đa”, tôi nhớ lại lời khẳng định của cô Thu 10 năm trước: Thực tế lớp trẻ hiện nay không hề quay lưng với văn hóa truyền thống. Truyền dạy tình yêu và kỹ năng hát quan họ cho thanh, thiếu nhi là cách bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật quan họ một cách hiệu quả nhất.
Nơi “liền chị nhí” Lê Thị Ngọc Anh sinh sống không thuộc 5 làng quan họ cổ được UNESCO công nhận nhưng là một trong những xã có nhiều CLB quan họ “tự phát” nhất huyện. Gọi là “tự phát” vì ngoài CLB do UBND xã ra quyết định thành lập, với hơn 40 thành viên hoạt động khá nền nếp thì tại mỗi thôn xóm còn có các CLB do những người say mê, yêu thích quan họ lập nên. Minh Đức cũng là xã có nhiều nghệ nhân quan họ nổi tiếng khắp vùng, trong đó có những người thuộc và hát chuẩn tới vài trăm câu (bài) quan họ cổ như ông Nguyễn Văn Kha (SN 1957), bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1962)…
Liền anh, liền chị “nhí” . |
Lần này trở lại Việt Yên, tôi còn về tham quan tìm hiểu quan họ ở làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, nơi có đặc sản Rượu làng Vân nức tiếng hàng trăm năm nay. Đặc biệt, nơi đây có bến nước và khúc sông Cầu là bối cảnh của bộ phim truyện “Đến hẹn lại lên” từng làm say mê bao thế hệ khán giả ngót nửa thế kỷ nay. Thổ Hà có liền anh Nguyễn Phú Hiệp đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và được UNESCO mời ra nước ngoài biểu diễn. Thời tại ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Hiệp đã nổi tiếng với tiết mục quan họ “Lời thương ta ngỏ cùng nhau” do ông tự đặt lời mới và biểu diễn, từng giành giải cao tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 1 (năm 1982) và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Xuất ngũ về làng, ông vận động thành lập CLB Quan họ làng Thổ Hà nổi tiếng vùng Bắc sông Cầu với lối hát canh và những bài đối đáp cổ cùng cảnh đón bạn trên sông Cầu “độc nhất vô nhị”.
Tiếp chuyện chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Phú Hiệp hào hứng khoe: UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Không gian văn hóa Quan họ tại làng Thổ Hà với các hạng mục sẽ được đầu tư như: Công trình hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp-thoát nước, đường điện, hệ thống chiếu sáng, thông tin liên lạc, xử lý rác và nước thải, công trình công cộng, không gian văn hóa... Từ lâu, Thổ Hà đã là địa chỉ văn hóa hấp dẫn du khách gần xa. Cùng với nghề gốm cổ truyền và Rượu làng Vân nức tiếng, quan họ cũng là một đặc sản đến mức được dân gian đúc kết là “Về Thổ Hà mới ra quan họ”. Gần đây nhất, tại Liên hoan dân ca quan họ huyện Việt Yên lần thứ XX (10/2021), “đội tuyển” thôn Thổ Hà đã xuất sắc giành giải A. Theo đó, với việc triển khai đề án xây dựng Không gian văn hóa Quan họ tại làng Thổ Hà - Vân Hà, nơi đây sẽ có thêm nhiều điều hấp dẫn để thu hút du khách gần xa…
Theo điều tra nghiên cứu của Viện Văn hóa - Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì ngoài 5 làng quan họ cổ đã được UNESCO công nhận, ở bờ Bắc sông Cầu thuộc huyện Việt Yên còn có 13 làng quan họ cũng hội đủ các tiêu chí “cổ” và đều có sức sống như ở Minh Đức và Thổ Hà kể trên. Từ khi dân ca quan họ Kinh Bắc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chương trình bảo tồn quan họ như nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu quan họ cổ; mở lớp truyền dạy, hỗ trợ thành lập các CLB quan họ; hỗ trợ thiết bị âm thanh, ánh sáng và xây dựng nhà văn hóa làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ... Phong trào hát quan họ đã phát triển rộng khắp tại hầu hết các thôn, làng trong toàn tỉnh...
Đặc biệt, tại huyện Việt Yên, lãnh đạo huyện và các ngành chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, quảng bá về di sản quan họ, coi đó như một tiềm năng để phát triển du lịch của huyện. Hơn 10 năm huyện đã duy trì tổ chức liên hoan hát quan họ thường niên tại Lễ hội chùa Bổ Đà. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện cũng đã tiến hành điều tra, ghi chép thu thanh được 19 bài quan họ dị bản tại làng quan họ Trung Đồng để lưu giữ, bảo tồn và phát huy, truyền dạy cho các thế hệ con em quê nhà và phục vụ du khách. Những nỗ lực đó còn phục vụ rất đắc lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Việt Yên hôm nay không chỉ là điểm sáng về thu hút đầu tư với những khu công nghiệp hiện đại mà còn nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch. Và đặc biệt, cứ về Việt Yên là mê quan họ…
Mai Nam Thắng
Ý kiến bạn đọc (0)