Vay tiền đáo hạn ngân hàng rồi tuyên bố vỡ nợ ở Lạng Giang: Không khởi tố vụ án có bỏ lọt tội phạm?
Ham lãi cao, mất cả cơ nghiệp
Những ngày qua, gia đình anh Hà Văn Trường ở thôn Cầu Trong, xã Mỹ Thái như ngồi trên lửa, vì vừa mất tiền lại trở thành con nợ của bao người. Bà Hoàng Thị Lan (mẹ anh Trường) nghẹn ngào: “Nhà tôi bị lừa mất sạch rồi, giờ có bán nhà cũng không đủ trả nợ. Sống thế này khổ hơn chết!”.
Mẹ con anh Hà Văn Trường phản ánh về vụ việc. |
Nguồn cơn do anh Trường cùng Phạm Vân Hương (SN 1986) ở thôn Cánh, xã Mỹ Hà vay tiền làm dịch vụ đảo sổ ngân hàng và bị Hương lừa mất. Trước khi xảy ra sự việc, anh Trường là chủ trang trại lợn và kinh doanh thức ăn chăn nuôi quy mô lớn tại xã.
Đầu năm 2019, anh Trường quen vợ chồng Hương. Hương khoe có quan hệ với nhiều lãnh đạo ngân hàng trong và ngoài huyện, có thể móc nối làm dịch vụ đảo sổ ngân hàng cho cá nhân, doanh nghiệp (DN) vay đáo hạn, hưởng hoa hồng cao. “Mức lãi suất Hương khoe khá hấp dẫn, cho vay 100 triệu trong vòng 10 ngày có thể thu về vài triệu đồng”, anh Trường nói.
Ban đầu, anh chỉ cho Hương vay mấy chục triệu đồng, sau đó thấy đối tượng “cắt” hoa hồng ngay khi nhận tiền, trả gốc đúng hẹn nên tin tưởng, lần sau cho vay nhiều hơn. Đỉnh điểm khoảng giữa năm ngoái, Hương liên tục thông tin có cá nhân, DN cần vay đáo hạn và rủ anh Trường hùn vốn cùng làm.
Vợ chồng Hương còn nhận kết nghĩa, đi lại thân thiết nên anh Trường không nghi ngờ. Thời gian đầu, mỗi lần vay tiền của anh Trường, Hương đều ghi giấy cụ thể, sau đó tin tưởng nên hai bên chỉ ghi số tiền vào - ra chung một quyển sổ. Theo anh Trường, tổng số tiền cho Hương vay trong mấy tháng gần 20 tỷ đồng. Cuối năm, thấy Hương khất lần không thanh toán, giục gọi thì đối tượng nói làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả.
Với cách thức tương tự, cùng khoảng thời gian trên, Hương còn vay của vợ chồng anh Hà Văn Xuân - Nguyễn Thị Loan ở thôn Cò, xã Mỹ Thái hơn 15 tỷ đồng và chị Ngô Thị Hằng, cán bộ xã Mỹ Hà hơn 9 tỷ đồng. Khi vay, Hương đều nói là làm dịch vụ đảo sổ ngân hàng và kinh doanh bất động sản.
Để vợ chồng chị Loan tin tưởng, Hương còn cho xem hợp đồng mua bán đất và khu đất định mua. Cảm giác đối tượng chất phác, thời gian đầu vay trả gốc và tiền hoa hồng sòng phẳng, các nạn nhân liên tiếp chuyển cho vợ chồng Hương số tiền lớn, thậm chí còn mượn tiền của người thân, bạn bè để cho vay hưởng chênh lệch. Ngoài ra theo người dân thông tin, Hương cũng vay mượn của không ít hàng xóm, người quen ở xã Mỹ Hà nhưng chưa trả.
Cần xem xét thấu đáo vụ việc
Được biết, khi xảy ra vụ việc, các nạn nhân đã làm đơn gửi cơ quan công an, tố cáo Phạm Vân Hương về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trên cơ sở kết quả giải quyết tin tố giác, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) kết luận việc thỏa thuận vay mượn tiền giữa Phạm Vân Hương và anh Hà Văn Trường cùng một số người khác là giao dịch dân sự với hình thức vay mượn tiền và trả lãi; hành vi này không cấu thành tội phạm nên cơ quan điều tra áp dụng Khoản 2, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Anh Trường không nhất trí nên có đơn khiếu nại. Mới đây, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện trưởng Viện KSND tỉnh đã xem xét lại vụ việc, không chấp nhận nội dung đơn khiếu nại của anh Trường và cho rằng quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên là có căn cứ.
Về phía Phạm Vân Hương, đến nay chỉ nhận còn nợ anh Trường cũng như các nạn nhân khác một phần nhỏ trong số tiền người cho vay phản ánh. Tuy nhiên, Hương không đưa ra được bằng chứng chứng minh số tiền đã trả cho các nạn nhân.
Giấy vay tiền của Phạm Vân Hương. |
Trước kết luận của cơ quan điều tra và thái độ của Hương, các nạn nhân rất bức xúc. Chị Nguyễn Thị Loan nói: “Vợ chồng tôi lăn lộn thương trường buôn bán bao năm, nếu Hương không dùng thủ đoạn gian dối thì sao có thể lấy được nhiều tiền của chúng tôi. Nếu cơ quan công an không xem xét, đưa kẻ lừa đảo ra xử lý thì còn đâu sự nghiêm minh của pháp luật!”.
Trao đổi về nội dung này, luật sư Giáp Thị Vân, Văn phòng luật sư Kim Vĩnh An, trụ sở trên đường Hùng Vương (TP Bắc Giang) qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ liên quan vụ việc này cho rằng, đối chiếu với Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), hành vi của đối tượng Phạm Vân Hương đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Hương nhận thức rõ thông tin mình đưa ra không đúng sự thật, việc chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện cũng như mong muốn người khác chuyển giao tài sản cho mình để chiếm đoạt. Để làm được điều này, Hương đưa ra nhiều thông tin gian dối để chủ tài sản tự nguyện giao tài sản cho mình. Khi vay tiền của anh Trường và những người khác, Hương dùng nhiều cách thức, thủ đoạn để họ tin tưởng mình có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo ngân hàng, dễ phối hợp làm dịch vụ đảo sổ hưởng hoa hồng cao.
Hương thường hẹn anh Trường mang tiền đến giao tại khuôn viên ngân hàng để tạo lòng tin, nhưng thực tế đối tượng hầu như không sử dụng tiền vay để đảo sổ mà dùng vào mục đích khác. Đối tượng khoe có nhiều DN nhờ đảo sổ ngân hàng, cao điểm có cả trăm sổ đến hạn muốn vay đảo sổ.
Trong các băng ghi âm (do anh Trường cung cấp) trao đổi giữa Hương và anh Trường, Hương nhiều lần nhắc đến việc đang làm việc, giao dịch với một cán bộ của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Lạng Giang. Tuy nhiên, vị cán bộ này khẳng định không biết Phạm Vân Hương là ai và không hề có giao dịch, làm ăn với Hương(?!).
Luật sư Vân cho rằng, cơ quan điều tra đã không xem xét hết chứng cứ, tài liệu liên quan vụ việc. Bằng chứng khi gửi đơn tố cáo, anh Trường đã chuyển các nội dung ghi âm cho điều tra viên thụ lý, song quá trình giải quyết không được xem xét, trích xuất để các bên đối chiếu, nhận diện giọng nói…
Từ lý lẽ đó, luật sư cho rằng, không khởi tố vụ án là bỏ lọt tội phạm. Các nạn nhân cho biết sẽ tiếp tục có đơn gửi các cơ quan liên quan đề nghị xem xét, khởi tố vụ án, bảo vệ quyền lợi cho mình và những người liên quan.
Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)