Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát chuyên đề lao động, phòng chống bạo lực gia đình, dân số
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi và các đại biểu tham quan cơ sở vật chất Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang. |
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, huyện Yên Dũng có hơn 6,4 nghìn lượt người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 102% tổng chỉ tiêu các năm được giao, tập trung chủ yếu ở một số thị trường: Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản. 81 lượt doanh nghiệp (DN) có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoạt động tại địa phương đều được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cấp phép. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ được UBND huyện và các ngành chức năng quan tâm.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang, hiện DN tạo việc làm cho hơn 13,8 nghìn lao động, trong đó có 112 người nước ngoài. Căn cứ quy định của pháp luật về lao động nước ngoài tại Việt Nam, công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn và đại biểu địa phương trao đổi, làm rõ một số tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể: Hoạt động tuyên truyền về XKLĐ ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm dẫn tới nhận thức, hiểu biết các quy định mới về lĩnh vực này của cấp ủy, chính quyền, người dân còn nhiều hạn chế; còn hiện tượng đơn vị tổ chức tư vấn XKLĐ khi chưa có đầy đủ thủ tục hoạt động theo quy định. Việc nắm bắt thông tin lao động hết hạn hợp đồng về nước hoặc ở lại cư trú bất hợp pháp gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định báo cáo về phía NLĐ. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện có khoảng 4,7 nghìn lượt người đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng, chủ yếu vượt biên trái phép ở biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh). Công tác quản lý nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu kết luận, đồng chí Bùi Sỹ Lợi đề nghị các cấp, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước để hạn chế tối đa hệ lụy từ XKLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan đến công tác XKLĐ giúp DN và người dân chấp hành đúng quy định. Tập trung nghiên cứu, phối hợp để có giải pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép. Ngành chức năng và DN chấp hành nghiêm các quy định về quản lý lao động nước ngoài làm việc trong tỉnh. Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương về chính sách tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng cường phối hợp giữa các địa phương, ngành chức năng nhằm quản lý người xuất, nhập cảnh tại biên giới, đoàn sẽ tổng hợp để trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
* Cùng ngày, đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội do đồng chí Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và công tác dân số giai đoạn 2008 - 2017 tại xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang); phường Trần Phú và TP Bắc Giang. Cùng dự về phía tỉnh có đồng chí Leo Thị Lịch, ĐBQH, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đại diện lãnh đạo một số cơ quan của tỉnh.
Quang cảnh buổi giám sát tại phường Trần Phú (TP Bắc Giang). |
Các thành viên trong đoàn giám sát tập trung tìm hiểu, trao đổi về vấn đề bình đẳng giới, công tác tuyên truyền, thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ và Pháp lệnh Dân số, việc phối hợp giữa các ban, ngành liên quan trong thực hiện quy định về gia đình và dân số; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư.
Đoàn cũng trao đổi về tình hình nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và người cao tuổi, tình trạng sinh con thứ ba, ly hôn, tảo hôn, mất cân bằng giới tính. Nhân dịp này, đoàn giám sát thăm hỏi, động viên một số nạn nhân bị BLGĐ.
Hầu hết các ý kiến từ hai địa phương cho rằng, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ đã đạt nhiều kết quả tích cực, số lượng vụ việc BLGĐ giảm hằng năm, nhận thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ của nhân dân nâng lên. Tuy nhiên còn một số hạn chế, khó khăn như: Cán bộ làm công tác gia đình mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc, công tác thống kê số liệu vụ BLGĐ gặp khó khăn. Chế tài xử lý hành vi BLGĐ còn những bất cập. Thành viên CLB phòng, chống BLGĐ chủ yếu là phụ nữ, hoạt động còn kém hiệu quả; tư tưởng trọng nam còn nặng nề.
Qua đây các địa phương kiến nghị nhà nước cần có quy định hỗ trợ kinh phí cho CLB phòng, chống BLGĐ, cộng tác viên làm công tác dân số tại cơ sở. Ngành chuyên môn tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ, hỗ trợ tài liệu truyền truyền, Quốc hội sớm ban hành Luật Dân số...
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Lê Thị Nguyệt đánh giá cao kết quả đạt được, nhất là trong công tác tuyên truyền, hòa giải phòng, chống BLGĐ của huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang. Đồng chí đề nghị, hai địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về gia đình gắn với các phong trào thi đua. Tiếp tục rà soát, phân loại đối tượng có nguy cơ dẫn đến BLGĐ để có hướng hỗ trợ kịp thời; quan tâm nhân rộng những mô hình tốt. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác gia đình và dân số, trong đó chú trọng sự phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể nhằm giải quyết tốt các vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đối với các kiến nghị, đoàn giám sát tiếp thu và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đỗ Quyên - Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)