Ưu tiên phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các dự án trọng điểm có tính liên vùng
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Theo đề xuất của các địa phương, đến năm 2025, đất nông nghiệp cả nước còn hơn 27,5 triệu ha, giảm 270 nghìn ha; đất trồng lúa giảm hơn 98,8 nghìn ha; đất rừng phòng hộ giảm hơn 92,5 nghìn ha; tăng đất phi nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất xây dựng cơ sở văn hoá, cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở thể dục, thể thao…
Tại Bắc Giang, căn cứ thực tiễn, một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 tỉnh đề nghị điều chỉnh gồm: Đất nông nghiệp giảm 51 ha, đất rừng sản xuất giảm 86 ha, đất phi nông nghiệp tăng 51 ha, đất an ninh tăng 93 ha so với chỉ tiêu tại Quyết định số 326/QĐ-TTg của Chính phủ.
Đất đai là nguồn lực quan trọng, được các địa phương quan tâm nên tại hội nghị đã có nhiều ý kiến thảo luận. Lãnh đạo một số địa phương đã nêu, đề cập đến vấn đề mới, trong đó chủ yếu tập trung vào điều chỉnh tăng quỹ đất công nghiệp. Nếu không có quỹ đất này rất khó thu hút đầu tư.
Theo đại diện tỉnh Quảng Nam, không nên căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất cho các địa phương để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Bởi lẽ, khi có nhiều nhà đầu tư vào địa bàn thì đương nhiên việc sử dụng đất công nghiệp tăng lên, có thể cao hơn với chỉ tiêu được phân bổ ban đầu. Nếu chỉ căn cứ vào chỉ tiêu sử dụng đất đã phân bổ mà không phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mới thì đồng nghĩa bỏ lỡ cơ hội phát triển của địa phương, điều này rất cần nghiên cứu điều chỉnh.
Một số địa phương khác đề nghị ưu tiên quỹ đất dành cho làm các tuyến đường cao tốc, công trình năng lượng; sớm phê duyệt phương án điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương thực hiện; xem xét không phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho từng địa phương mà nên phân theo vùng, từ đó hội đồng vùng sẽ phân bổ trên cơ sở thực tiễn, nhu cầu ở mỗi tỉnh, TP.
Trao đổi tại hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, đất đai là một hằng số, vì thế nguyên tắc muốn tăng chỉ tiêu của địa phương này thì giảm ở địa phương khác. Do đó, cần vì lợi ích chung để xây dựng, tính toán quỹ đất cho phát triển.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, nguồn lực đất đai là không gian, là điều kiện tiên quyết quyết định sự phát triển. Giải quyết vấn đề này cần cân đối nguồn lực đất đai, dựa trên phương pháp, đánh giá để đất đai được sử dụng hiệu quả, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH.
Hiện nay, hàng loạt các quy hoạch đang được xây dựng, trong đó, nhiều quy hoạch chưa có tính dự báo chính xác cao, khả thi về sử dụng đất đai, chưa có sự thống nhất, đồng bộ thì việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cần nhìn vào lợi ích quốc gia, ưu tiên dự án trọng điểm quốc gia, dự án kết nối liên vùng, mang tính lan tỏa và dựa vào định hướng của Đảng, Nhà nước trong phát triển KT-XH.
Có thể điều chỉnh đất đai nhiều lần, cục bộ. Nếu địa phương có tiềm năng phát triển, Chính phủ sẽ lắng nghe để điều chỉnh nội bộ tại địa phương đó. Hay những trường hợp, trước đây nhận định có tiềm năng, lợi thế bứt phá nhưng sau khi đánh giá lại khác với thực tế thì xem xét phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, điều chỉnh cho địa phương khác có cơ hội hơn.
Đồng chí nhấn mạnh, để phát triển công nghiệp, đô thị, các ngành, địa phương nên căn cứ vào cơ sở hiện trạng và đánh giá tiềm năng, từ đó đưa ra quyết định chính xác phân bổ đất cho lĩnh vực này.
Đồng chí Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương pháp để theo dõi, giám sát việc thực hiện phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất tại các địa phương một cách hiệu quả, khoa học. Về đất lấn biển, cần rà soát để cập nhật loại đất này vào quy hoạch.
Với một số ý kiến khác, đồng chí sẽ nghiên cứu trong chỉ đạo tới đây, đồng thời khẳng định không lấy chỉ tiêu phân bổ đất đai mà giới hạn phát triển ở các địa phương. Cần linh hoạt, điều chỉnh kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tin, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)