Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ung thư phổi ở tuổi 34

Cập nhật: 14:39 ngày 08/04/2024

Người phụ nữ 34 tuổi đi khám vì đau vai trái âm ỉ ba năm, kết quả chẩn đoán ung thư phổi với khối u dài 12 cm, hiếm gặp.

Khối u thùy trên phổi trái rất to của bệnh nhân. Ảnh:Bệnh viện cung cấp

Ngày 8/4, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính, phát hiện khối u thùy trên phổi trái với chiều dài 12 cm, chiều ngang 9 cm. Kết quả sinh thiết ghi nhận khối u ác tính.

Người phụ nữ chia sẻ bị đau bả vai trái ba năm nay, uống thuốc giảm đau nhưng không thuyên giảm. Tiền sử bản thân và bố mẹ không ai mắc ung thư, nhưng chồng bệnh nhân nghiện thuốc lá gần 20 năm nay, mỗi ngày anh hút một bao thuốc. "Đây có thể là một trong nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi của người phụ nữ, tức hít phải khói thuốc do người nhà hút thuốc trong một thời gian dài", bác sĩ điều trị nói. Hiện chị được tư vấn điều trị theo phác đồ mổ, hóa trị.

Ung thư phổi là một trong ba loại thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai sau ung thư gan, ước tính mỗi năm có khoảng 23.000 ca mới, gần 21.000 trường hợp tử vong.

Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, mỗi năm thế giới có hơn hai triệu người được chẩn đoán mắc ung thư phổi, hầu hết đều có tiền sử hút thuốc lá. Tuy nhiên, 10-20% người mắc ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc, thường là phụ nữ và ở độ tuổi sớm hơn so với người mắc ung thư phổi có hút thuốc.

Các chuyên gia đánh giá dù hút thuốc lá là nguyên nhân số một gây ung thư phổi. Bên cạnh đó là các yếu tố như tiếp xúc với khói thuốc của người khác (hút thuốc thụ động), ô nhiễm không khí, nhiễm radon, amiăng, tiền sử gia đình mắc ung thư phổi. Trong đó, hút thuốc thụ động là nguy cơ phổ biến, có thể gặp trong gia đình hoặc môi trường làm việc, học tập.

Ung thư phổi diễn biến thầm lặng nên đa số người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị thấp, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian. Vì vậy, tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường, cũng như tăng cơ hội chữa trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Những người nên chủ động tầm soát ung thư phổi khi có một trong các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, ho dai dẳng/có đờm, mệt mỏi, hụt hơi, đau lưng, sụt cân không rõ nguyên nhân... Đặc biệt, những người có tiền sử hút thuốc lá, gia đình có người mắc ung thư, khuyến cáo nên đi tầm soát ung thư phổi định kỳ từ sau 40 tuổi.

Theo VnExpress

Chia sẻ:
ung-thu-phoi-o-tuoi-34-142251.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...