Tưởng nhớ nạn nhân mất vì Covid-19: Xoa dịu những nỗi đau
Giành giật sự sống
Gần 2 năm qua, nhiều khu vực của tỉnh Bắc Giang bị dịch Covid-19 tấn công gây ảnh hưởng, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng người dân, tác động tiêu cực đến KT-XH. Đối mặt với mối đe dọa nguy hiểm từ dịch Covid-19, các lực lượng tuyến đầu cán bộ, nhân viên y tế vẫn ngày đêm nỗ lực vì sức khỏe, sự sống của người bệnh.
Chăm sóc cho bệnh nhân nặng tại Trung tâm ICU ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang. |
Thời điểm này, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đang có 84 bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ tập trung cao điều trị cho 2 ca viêm phổi đang được hỗ trợ thở ô xy để giảm thiểu sự gắng sức của chức năng phổi.
Là người trực tiếp điều trị, bác sĩ Nguyễn Thị Loan, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay: “Đơn vị chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân nặng. Có nhiều ca tưởng chừng không qua khỏi nhưng các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống tại đây. Từng giây, từng phút kéo sự sống ở lại với bệnh nhân đều căng thẳng, buộc các bác sĩ phải “cân não” để nhanh chóng đưa ra chỉ định chính xác. Hạnh phúc lớn nhất trong những đêm dài trực cấp cứu hồi sức là khi tín hiệu sống nhấp nháy trên màn hình monitor. Lúc này, tâm trí căng thẳng giãn dần, thay vào đó là niềm vui chiến thắng như vỡ òa trong trái tim chúng tôi”.
Như trường hợp anh Nguyễn Văn G (SN 1987) ở xã Trường Sơn (Lục Nam) nhiễm virus SARS-CoV-2 tưởng chừng không qua khỏi. Anh đã cận kề với cái chết khi chức năng tim, phổi gần như không hoạt động. May mắn anh đã được các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang cứu sống.
Nhớ lại những giây phút tưởng như tử thần đã chập chờn trước mặt, anh G kể: “Tôi thực sự trở về từ cõi chết bởi bệnh trở nặng rất nhanh mặc dù trước đó cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Lúc bấy giờ, tôi luôn cảm giác không thở nổi, ngực như bị tảng đá đè vào, rồi tôi không còn biết gì nữa. Sau này, khi đã được các bác sĩ dốc sức cứu chữa, hồi tỉnh lại tôi mới biết mình bị cơn bão cytokine và phải hỗ trợ tim, phổi ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu, dùng thuốc kháng đông máu”.
Thế nhưng không phải ai cũng may mắn vượt qua bạo bệnh bởi dịch Covid-19 quá nguy hiểm và đã để lại nhiều mất mát, hy sinh.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 nguy kịch được cứu sống trong ngày ra viện. |
Mất mát chưa nguôi
Đại dịch Covid-19 hoành hành, tỉnh Bắc Giang phát hiện hơn 6,7 nghìn người nhiễm; hầu hết bệnh nhân nhiễm được điều trị khỏi bệnh; đến thời điểm này, toàn tỉnh có 14 bệnh nhân tử vong.
Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh ở mức thấp nhưng theo các bác sĩ điều trị, nhiều người vừa hôm trước sức khỏe vẫn ổn định, triệu chứng nhẹ, hôm sau phổi đã ruỗng trắng dẫn đến suy hô hấp, suy đa tạng, tử vong nhanh chóng trong vài ngày trước sự bàng hoàng của bác sĩ và gia đình.
Đã gần 5 tháng qua, anh Giáp Văn N ở huyện Tân Yên cùng gia đình vẫn chưa thể nguôi nỗi đau. Anh N kể: "Covid-19 là kẻ thù giấu mặt vô cùng nguy hiểm đã len lỏi vào gia đình tôi từ lúc nào không hay. Khi được bác sĩ báo tin mẹ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, cả nhà tôi hoang mang, lo lắng. Lần lượt bố, mẹ, em trai, em dâu, 4 đứa cháu là con của em trai tôi cũng phải đi điều trị vì nhiễm bệnh".
Do em trai làm ở khu công nghiệp ở Việt Yên bị dương tính đã làm lây nhiễm sang người thân trong gia đình. Mẹ anh 64 tuổi, trước đó khỏe mạnh, không có bệnh nền nhưng khi nhiễm Covid-19 thì bệnh diễn tiến nặng nhất, bà được chuyển sang Trung tâm Hồi sức tích cực ICU tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị rồi mất ngày 28/6.
Anh luôn day dứt là lúc mẹ mất chẳng có người thân bên cạnh dù đông con, nhiều cháu song gia đình anh được an ủi bởi nhân viên bảo quản thi hài của bệnh viện đã lo hậu sự chu đáo cho bà từ việc đưa thi thể đi hỏa táng, bàn giao tro cốt cho người thân.
“Điều trăn trở của tôi cũng như bao đồng nghiệp không phải là nỗi vất vả mà là mỗi lần phải thông báo tin buồn cho thân nhân người bệnh luôn là việc vô cùng khó khăn. Cảm giác bất lực khi không thể cứu được bệnh nhân đè nặng tâm trí bác sĩ. Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể giúp người bệnh vượt qua vòng sinh tử, đã có 7 ca tử vong tại đây”, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ.
Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những miếng cơm nguội ngắt lùa vội trong tiếng tít tít của hệ thống máy móc hỗ trợ thở nhưng tất cả cán bộ, nhân viên y tế vẫn kiên cường ngày đêm cứu sống bệnh nhân Covid-19 ở “vùng lõi” của dịch bệnh.
Trao đổi chuyên môn điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. |
Để nỗi đau không kéo dài
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang điều trị cho 538 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở 2 cơ sở y tế là Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và Bệnh viện dã chiến số 2 (đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh). Trong đó có 2 ca đang thở ô xy và 57 bệnh nhân có hình ảnh tổn thương phổi, viêm phổi, còn lại là các trường hợp nhẹ, không triệu chứng.
Mặc dù vậy, các bác sĩ cảnh báo thực tế điều trị cho thấy nhiều ca bệnh có diễn biến khó lường, thậm chí có thể tử vong nhanh ngoài sự tiên lượng. Thường xuyên đối mặt với những tình huống đột ngột trở nặng của những bệnh nhân vốn đã mang sẵn bệnh nền nghiêm trọng nên các bác sĩ trong khu điều trị Covid-19 luôn phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu thay đổi triệu chứng, kết hợp với đánh giá thể trạng từng ca bệnh để xác định hướng điều trị phù hợp.
Với các bác sĩ, những cái chết của bệnh nhân mắc Covid-19 để lại nỗi đau, sự ám ảnh và nỗi trăn trở khôn nguôi. Bởi lúc đau ốm, người bệnh hoàn toàn do nhân viên tế chăm sóc, lúc khâm liệm cũng chẳng có người thân. Chứng kiến những đau thương đó, mỗi y bác sĩ càng thêm nỗ lực để cứu sống bệnh nhân.
Cuộc chiến với đại dịch còn kéo dài, để chung sống an toàn, giảm thiểu ca bệnh nặng và tử vong, mong muốn lớn nhất của các y bác sĩ là mỗi người dân cần nêu cao ý thức bảo vệ mình, không một phút lơ là, chủ quan trước dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc khuyến cáo không tập trung đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực. Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chẩn đoán, xác định sớm, hạn chế lây lan cho người xung quanh.
Chủ trương tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức. Lễ tưởng niệm diễn ra lúc 20 giờ ngày 19/11 tại hai điểm cầu TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, kết nối trực tuyến với một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19 là nguyện vọng của mọi gia đình có thân nhân đã ra đi vĩnh viễn, là nén hương lòng rưng rưng trong hàng triệu trái tim người dân đất Việt, là tình cảm, trách nhiệm, sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta. |
Bài, ảnh: Minh Thu - Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)