Tự ý truyền dịch mùa sốt xuất huyết có thể phải trả giá bằng tính mạng
Truyền dịch chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ và có sự giám sát của nhân viên y tế. Ảnh minh họa. |
60 phút nằm truyền tương đương bổ sung 1 thìa cà phê đường
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội khuyến cáo các bệnh nhân sốt, tiêu chảy nếu có thể bù nước, dịch… bằng đường uống. Bởi truyền nước, đường, lượng nạp vào cơ thể rất ít. Ví dụ, với tỷ lệ 5g đường trên 100 ml dung dịch thì việc truyền cho trẻ một chai glucose 5% chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần một thìa cà phê đường.
Tương tự, khi truyền một chai muối mất cả tiếng để truyền nhưng chỉ bằng uống một bát canh nhạt. “Chưa kể, việc truyền dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí là sốc phản vệ. Vì thế, nếu phải truyền dịch chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế. Nhất là trong mùa dịch SXH như hiện nay, việc tự ý truyền dịch càng nguy hiểm hơn bởi truyền dịch khi bị SXH rất phức tạp, phải tính toán kỹ theo diễn tiến bệnh, cân nặng cơ thể để đánh giá tốc độ truyền”, PGS.TS Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, chính vì những rủi ro có nguy cơ gặp phải khi truyền dịch nên bác sĩ chỉ đưa ra chỉ định truyền trong trường hợp người bệnh không thể bù nước, đạm, dinh dưỡng bằng đường ăn, uống. Như bệnh nhân sốt quá cao, nôn trớ nhiều, mệt mỏi không thể ăn, uống.
Tự ý truyền khi sốt xuất huyết rất nguy hiểm
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo hiện tượng người bệnh tự truyền dịch khi thấy sốt cao, mệt mỏi là rất nguy hiểm, bởi nguy cơ sốc là có thể xảy ra. Khi đã sốc, rất khó để khẳng định sẽ cứu sống người bệnh. Ngay với những bệnh nhân SXH phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng chỉ định truyền. Nếu truyền, tốc độ truyền mỗi người khác nhau, đặc biệt là ở bệnh nhi.
Cùng quan điểm này, TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết, nhiều bệnh nhân SXH bị sốt cao, vã mồ hôi, chán ăn trong 3 ngày đầu bị SXH có tâm lý muốn truyền dịch để đỡ mệt. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng truyền được. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nên nếu truyền dịch dễ bị sốc. Trong quá trình SXH, có giai đoạn bị mất dịch (thường 3 ngày đầu), nhưng cũng có giai đoạn cuối thường có hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu truyền gây hiện tượng thừa dịch gây phù phổi và các biến chứng nguy hiểm. “Vì thế, việc tính toán tốc độ truyền, dịch truyền là do bác sĩ chỉ định trên từng bệnh nhân, chứ không nên tùy tiện muốn là truyền sẽ rất nguy hiểm. Như khi có biểu hiện cô đặc máu, bác sĩ lại có điều chỉnh dịch cho phù hợp, phải dùng dung dịch cao phân tử để giữ nước, tránh thoát dịch”, TS Cường cho biết.
TS Cường giải thích thêm, đó là truyền dịch theo đúng phác đồ. Người bệnh không tự truyền nước, đạm, hay máu. Ngay cả với tiểu cầu bác sĩ cũng hạn chế chỉ định truyền, chỉ khi nào tiểu cầu hạ thấp dưới 10, dưới 5 kèm theo xuất huyết bác sĩ mới chỉ định truyền. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch SXH chiều 17-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cảnh báo người dân không nên tự ý truyền dịch không đúng chỉ định để phòng những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo Hồng Hải/Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)