Trung Quốc kiện Mỹ, đòi công bằng cho xe điện
Trung Quốc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến các chính sách hỗ trợ của Mỹ đối với xe điện phân biệt đối xử với các hãng nước ngoài.
Hôm 26/3, phía Trung Quốc cho biết về việc khiếu nại và WTO cũng khẳng định thông tin. Động thái nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia Đông Á trong ngành công nghiệp xe điện.
Gian trưng bày của hãng GAC (Trung Quốc) tại triển lãm ôtô Detroit năm 2019. Ảnh: Motor Trend |
Trung Quốc nói rằng đang tranh đấu trước những chính sách hỗ trợ phân biệt đối xử theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà quốc gia này cho đó là nguyên nhân dẫn tới sự ngăn chặn hàng hóa từ Trung Quốc và các quốc gia khác là thành viên WTO.
Theo luật, hàng tỷ USD được cung cấp dưới hình thức giảm thuế nhằm giúp người tiêu dùng mua xe điện và các công ty sản xuất năng lượng mới, khi Tổng thống Joe Biden nhắm đến việc loại bỏ carbon khỏi lĩnh vực sức mạnh của Mỹ.
Cụ thể, mức hỗ trợ 7.500 USD dành cho những mẫu xe xanh đáp ứng những yêu cầu, như lắp ráp tại Bắc Mỹ, và phần lớn linh kiện pin có nguồn gốc từ Mỹ hoặc những quốc gia liên minh. Xe điện từ Trung Quốc không nằm trong phạm vi này.
"Dưới sự ngụy trang là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm khí thải carbon và bảo vệ môi trường, (những chính sách này) thực tế còn tùy thuộc vào việc mua và sử dụng hàng hóa từ Mỹ, hay hàng hóa nhập khẩu từ một số khu vực đặc biệt", phái đoàn Trung Quốc nói.
Đại diện quốc gia Đông Á cũng cho biết đang tiến hành các bước "nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc và để duy trì một sân chơi công bằng về cạnh tranh cho thị trường toàn cầu".
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói Washington đang xem xét yêu cầu của Trung Quốc về sự tham vấn của WTO "đối với các phần của Đạo luật Giảm lạm phát 2022 và các biện pháp áp dụng".
Trong thông báo, Tai nói IRA đang hỗ trợ cho sự đóng góp vào một "tương lai năng lượng sạch rằng chúng ta đều đang cùng tìm kiếm với các đồng minh và đối tác". Tai cáo buộc Trung Quốc sử dụng thứ mà bà miêu tả là "các chính sách bất công, phi thị trường" để giành lợi thế cho các hãng sản xuất Trung Quốc.
Một quan chức WTO khẳng định rằng yêu cầu từ Trung Quốc về sự tham vấn đã được tiếp nhận, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Ở Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc nói đang thúc giục Washington "nhanh chóng sửa sai những chính sách công nghiệp phân biệt đối xử, và duy trì sự ổn định của ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu cho xe năng lượng mới". Những quyết định của WTO về tranh chấp thương mại dự kiến mất 6 tháng sau khi có một ủy ban phân xử được thành lập, nhưng thường sẽ mất nhiều thời gian hơn thế.
Nếu WTO ủng hộ Trung Quốc, Washington vẫn có thể kháng cáo, rằng quyết định là vô hiệu sau khi tháng 12/2019, Mỹ từng khiến WTO "tê liệt" bằng cách ngăn tổ chức này bổ nhiệm thẩm phán. Đến đầu 2023, Washington cũng chặn một số đề cử thẩm phán mới thay thế các thẩm phán hết nhiệm kỳ, khiến cơ quan này không có đủ thành viên hoạt động.
Theo Vnexpress
Ý kiến bạn đọc (0)