Trống đồng Bắc Lý: Biểu tượng văn hoá Đông Sơn ở Bắc Giang
Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hoá cổ đã từng tồn tại ở một số tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam, trong đó có vùng đất Bắc Giang. Năm 1975, tại Gò Mụ, ấp Thi Đua, xã Bắc Lý (Hiệp Hoà) phát hiện trống đồng Bắc Lý và đến năm 1998 lại phát hiện trống đồng Xuân Giang tại xã Mai Trung (Hiệp Hòa).
Trống đồng Bắc Lý trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. |
Trống đồng Bắc Lý có đặc điểm giống trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Đông Sơn, điều đó chứng tỏ sự tồn tại của nền văn hoá Đông Sơn, địa bàn sinh sống của cư dân Việt cổ ở vùng đất này.
Trống đồng Bắc Lý cao 45 cm, đường kính mặt 55 cm, hoa văn trang trí mang nhiều đặc điểm của trống đồng Đông Sơn. Mặt trống trang trí hoa văn hình học và hoa văn hình chim theo xu hướng đơn giản hoá. Chính giữa phủ kín bằng 9 vành hoa văn xung quanh ngôi sao nổi 12 cánh, xen các cánh là những vạch chéo song song, gần rìa mặt có 4 khối tượng cóc ngồi xung quanh ngược chiều kim đồng hồ.
Tang trống phình rộng cong tròn đầy, ôm gọn mặt trống. Chân trống choãi ra đường bệ theo kiểu hình nón cụt, trang trí hoa văn theo hình răng cưa, đầu nhọn quay xuống phía dưới tạo thành một hình tam giác và có hoa văn vòng tròn kép. Tang trống và đế trống được nối lại với nhau bởi phần lưng trống thắt lại thanh thoát.
Thân trống trang trí hoa văn từng đoạn theo phương thẳng đứng, hai dải hoa văn hình học kiểu đường tròn đồng tâm không có tiếp tuyến. Phần quai trống kiểu quai kép hình chữ C còn đủ hai đôi quai gắn vào giữa tang và thân trống.
Về hình thức, trống đồng Bắc Lý có kiểu dáng giống trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ. Các hoa văn tuy đơn giản nhưng các nghệ nhân đã khéo léo phối hợp hoa văn hình học, hoa văn răng lược với vòng tròn có chấm tiếp tuyến, vòng tròn lồng nhau có chấm nổi tiếp tuyến tạo nên nét độc đáo riêng cho loại hình trống đồng Bắc Lý.
Điểm nổi bật trong phong cách trang trí hoa văn trên trống đồng Bắc Lý đó là vành hoa văn chủ đạo trang trí hình chim. Nghệ nhân tạo hoạ hình chim có mỏ dài, đuôi dài được phác hoạ bằng những đoạn thẳng gọn, có rất ít những đường lượn mềm được thể hiện tạo hoạ hình chim. Điều đó nói lên xu hướng cách điệu trong nghệ thuật trang trí của các nghệ nhân.
Điểm khác biệt ở phong cách trang trí hoa văn trống đồng Bắc Lý là ở vành trang trí hình chim. Có đến 5 hình chim mỏ dài, đuôi dài. Số lượng hình chim trang trí lẻ như vậy chưa hề thấy trong nhóm C của phân loại trống đồng Đông Sơn.
Nghệ nhân trang trí trống đồng Bắc Lý không tuân theo quy luật “ưu tiên số chẵn” như quy luật trang trí trống đồng Đông Sơn vốn có. Tuy vậy hình dáng tổng thể, tính chất hài hoà và cân đối của vành trang trí hoàn toàn không bị phá vỡ.
Trống đồng Bắc Lý không chỉ là hiện vật quý mà qua hiện vật này người ta còn tìm thấy sự phát triển khá cao của nghề đúc đồng. Các họa tiết hoa văn trang trí ở trống đồng còn phản ánh những ý niệm, tư tưởng, tình cảm của người xưa.
Hình ảnh ngôi sao 12 cánh, 4 tượng cóc ở xung quanh biểu thị ý niệm về mặt trời, về 12 tháng trong năm, tín ngưỡng thờ thần mặt trời trong tuần hoàn 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; 5 con chim mỏ dài, biểu tượng của cư dân Lạc- Việt và nền văn minh lúa nước phát triển sớm trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.
Có thể nói trống đồng Bắc Lý là một sản phẩm độc đáo và tiêu biểu của văn hoá Đông Sơn ở Bắc Giang. Trống đồng Bắc Lý được vinh danh trong tập sách những trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam. Tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, trống đồng Bắc Lý được trưng bày giới thiệu thu hút sự chú ý của khách tham quan và các nhà nghiên cứu về vẻ đẹp và giá trị của nón.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)