Triển lãm Mỹ thuật Bắc Giang - tôn vinh vẻ đẹp đời thường
Phòng trưng bày triển lãm đặt tại sảnh lớn của Rạp Sông Thương thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang. Cơ quan tổ chức là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh.
Đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng
Theo anh Nguyễn Quách Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, để có được triển lãm này là cả một sự cố gắng của Trung tâm và các họa sĩ, cũng như các đơn vị tổ chức trong một thời gian dài, từ tập trung cải tạo phòng ốc, xây sửa cơ sở vật chất để có phòng trưng bày, triển lãm.
Chọn mỹ thuật để giới thiệu ra công chúng bởi Bắc Giang là địa phương có nền tảng mỹ thuật vững chắc, có thành tựu và có đội ngũ tiềm năng. Đã thế, cũng rất lâu rồi chưa có cuộc triển lãm mỹ thuật nào tại tỉnh được tổ chức. Nghệ thuật cần đến gần đời sống hơn và đi vào đời sống của xã hội đương đại nhiều hơn. Đội ngũ những người sáng tác mỹ thuật cũng cần có môi trường để thể hiện, để công bố và quảng bá tác phẩm.
Nhiều họa sĩ đã bày tỏ sự vui mừng vì có cuộc triển lãm này, bởi rất nhiều người thuộc Chi hội Mỹ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang lâu nay tham dự triển lãm khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tại các tỉnh bạn mà chưa có dịp tham dự tại địa phương, các tác giả không chuyên thì cơ hội tham gia càng ít. Chính bản thân Hội cũng không có điều kiện để tổ chức.
Với 46 tác phẩm mỹ thuật gồm nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, gò đồng, gò nhôm, đất nung, lụa, bột màu, sơn khắc, acrylic…của 20 họa sĩ chuyên và không chuyên trong tỉnh đã mang đến cho người xem những trải nghiệm khá phong phú về đời sống xã hội.
Phần linh hoạt và tươi mới nhất của triển lãm chính là có sự xuất hiện các bức vẽ của 12 họa sĩ nhí là các em học sinh sinh hoạt tại các Câu lạc bộ Mỹ thuật trong tỉnh.
Tranh của các em hồn nhiên, màu sắc tươi sáng, giàu cảm xúc được các họa sĩ chuyên nghiệp đánh giá cao. Một số em đã từng được giải cao tại các cuộc thi vẽ tranh quy mộ ngành giáo dục và toàn quốc. Các em: Nguyễn Hà Linh, Nguyễn Ngọc Diệp, Nguyễn Lưu Anh Thư, Nguyễn Huệ Mai, Hoàng Hạnh Trang… đã bộc lộ nhiều hứa hẹn về lớp họa sĩ trẻ tài năng, nếu được chăm chút và đầu tư.
Những bức vẽ của trẻ em được trưng bày bên cạnh những tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp đã tạo nên hiệu ứng dòng chảy thẩm mỹ trong tâm cảm người xem.
Hội tụ những sắc màu
Từ ngày khai mạc (25-4) đến ngày 3-5, bình quân mỗi ngày có 40 -50 lượt công chúng đến xem tranh (không tính lượng khách lễ khai mạc). Như vậy có thể đánh giá rằng, triển lãm đã rất thành công, nhân dân đã quan tâm đến nghệ thuật.
Tác phẩm "Vũ điệu tuổi thơ" của tác giả Nguyễn Huệ, 7 tuổi, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Bắc Giang. |
Nhưng có lẽ, thành công nhất của triển lãm là mang đến cho người xem những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống đời thường trên vùng quê Bắc Giang. Đó là sự thanh bình, giao hòa, ấm áp, giàu nhân ái trong đời sống cộng đồng.
Khán giả bắt gặp một Cấm Sơn vùng cao mưa xối xả, những người phụ nữ dân tộc đứng quây quần bên nhau ngay bến cá trong tác phẩm “Mưa Cấm Sơn” của Đắc Lợi.
Một ngày hè tươi non trong trẻo của các cô gái chèo thuyền hái sen trong “Giai điệu bên hồ” của Duy Lập.
Vẻ trữ tình mơ mộng trong “Quan họ” của Lưu Thế Hân; hay một chiều quê yên ả trong tranh của Nguyễn Tiến Lực.
Tháng Tư (Thể loại: Acrylic. Tác giả: Phạm Công Chúc) |
Một “Tháng Tư” gợi cảm của Phạm Công Chúc; sự giao hòa tuyệt diệu của thiên nhiên và muôn loài trong “Trên cánh đồng” của Nguyễn Trần Vũ.
Sự trong sáng hồn nhiên thơ trẻ trong “Tiếng hát tuổi thơ” của Nguyễn Văn Tĩnh; phiên chợ vùng cao với những chú ngựa lơ đãng, người bán thì trầm tư trong “Phiên chợ chiều” của Nguyễn Thị Hằng Duyên.
Vẻ đẹp của người phụ nữ trong lao động sản xuất qua tranh “Giữa giờ lao động” của Bùi Thái Dương; một ký ức hào hùng của cả dân tộc kết tinh qua chân dung vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp trong “Ký ức” của Thân Ngọc Quý.
Tình mẫu tử thiêng thiêng cao đẹp trong “Mẹ con” của Bùi Ngọc Lân; triết lí sống đầy Phật tính của người Việt trong tranh của Vũ Minh Hướng; hoặc vẻ giễu nhại sâu sắc và đầy ẩn ý về đời sống con người thông qua trò chơi đi cà kheo trong tác phẩm “Chiều cao vay mượn” của Văn Tơn …
Chiều cao vay mượn. (Thể loại: Sơn mài. Tác giả: Văn Tơn) |
Có thể nói rằng, xem tranh chúng ta mới chợt nhận ra, lâu nay chúng ta là những người hạnh phúc mà không biết. Đó là được sống và lao động trên vùng quê Bắc Giang tươi đẹp, thanh bình.
Cuộc đời, cần nhất sự thanh bình. Vẻ đẹp tối giản và mang tính kinh điển của đời sống con người là sự tinh khiết và tái sinh.
Những tác phẩm mỹ thuật đã làm tái sinh đời sống xã hội, nối dài sự liên tưởng trong tâm tư người xem, khắc họa một vùng đất Bắc Giang giàu văn hóa, con người nhân văn, lịch lãm.
Nhưng cũng hơi tiếc, bởi phòng tranh còn thiếu vắng nhiều cây vẽ trong tỉnh, còn thiếu những tác phẩm mang tính đột phá, phản ánh sự sôi động nhiều chiều của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay.
Những vấn đề nhiều người quan tâm như bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng đời sống nông thôn mới… còn chưa được đề cập. Nhưng đòi hỏi hoàn hảo cho một triển lãm nhỏ là điều không thể.
Cách nay nhiều năm, giới Mỹ thuật cả nước đã ghi nhận về sự trưởng thành và thương hiệu uy tín nghề nghiệp của các họa sĩ chuyên nghiệp của Bắc Giang.
Mỹ thuật Bắc Giang từng có một giai đoạn hoàng kim, giành nhiều giải thưởng danh giá ở các triển lãm chuyên nghiệp trong toàn quốc với những tên tuổi nổi tiếng như: Trương Đình Hào, Lưu Thế Hân, Văn Tơn, Duy Lập…
Tranh của các họa sĩ trên đã được trưng bày tại tại các bảo tàng uy tín và có mặt trong một số triển lãm khu vực các nước Đông Dương, khối ASEN. Sau đó là các tên tuổi: Bùi Ngọc Lân, Trương Đình Huy, Phạm Văn Chúc, Vũ Công Trí, Trương Quang Hải khẳng định vị thế của mình trong sáng tác mỹ thuật.
Tiếp đến là Vũ Minh Hướng, Đắc Lợi, Bùi Thái Dương, Nguyễn Trần Vũ, Nguyễn Thị Hằng Duyên, Nguyễn Thị Hà, Trần Minh Dương… luôn có những tác phẩm được đầu tư công phu, chất lượng.
Một số tác giả chuyên vẽ tranh cổ động như: Ngô Xuân Thuận, Nguyễn Ngọc Lạng, Dương Ảm, Đào Xuân Dương cũng có nhiều tác phẩm đóng góp vào công tác tuyên truyền.
Nên chăng, đầu tư dài lâu cho văn hóa bắt đầu từ những triển lãm tranh
Từ những sức mạnh tiềm năng về đội ngũ, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, hy vọng thời gian tới, hoạt động quảng bá triển lãm tác phẩm mỹ thuật đến công chúng sẽ thường xuyên và rộng rãi hơn. Đích thân Phó Chủ tịch tỉnh Lê Ánh Dương đã đến thăm phòng tranh, ghi nhận những đóng góp đồng thời chia sẻ, động viên đội ngũ sáng tác tranh những người làm công tác triển lãm. Với những người làm nghệ thuật, sự quan tâm và động viên kịp thời ấy sẽ thôi thúc ở họ sự cống hiến nhiều hơn.
Theo anh Nguyễn Quách Hải, từ năm tới, hoạt động triển lãm mỹ thuật sẽ được tổ chức thường xuyên, tuy nhiên sẽ nghiên cứu cách tổ chức nhằm thu hút được nhiều tác giả, tác phẩm tham gia hơn nữa, tranh mới hơn và có chất lượng cao.
Tuy nhiên, để hoạt động quảng bá nghệ thuật xứng tầm văn hóa của một tỉnh, thì rõ ràng cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa của Nhà nước, chính quyền cho Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh để nơi đây trở thành địa điểm chính tổ chức đăng cai triển lãm các loại hình nghệ thuật một cách chuyên nghiệp.
Nhìn các tốp học sinh vào xem tranh sau giờ tan học, thiết nghĩ, nếu chúng ta tổ chức được các triển lãm theo mùa, theo chủ đề thì sẽ thu hút được giới trẻ và đông đảo công chúng, mở rộng được tầm ảnh hưởng của mỹ thuật đến đời sống đương đại. Biết đâu, chính các họa sĩ sẽ bán được tác phẩm của mình từ hoạt động triển lãm?!
Và còn một điều hiển nhiên, nếu bạn đến một thành phố xa lạ, hãy đi thăm thư viện, hiệu sách, bảo tàng, triển lãm, trung tâm biểu diễn… bạn sẽ thấy diện mạo thực sự và đời sống văn hóa của thành phố đó. Tầm vóc trí tuệ và cốt cách của thành phố sẽ hiện ra từ đó. Vậy thì với Bắc Giang, đầu tư dài lâu cho văn hóa bắt đầu từ những triển lãm như thế này sẽ không bao giờ muộn.
Ý kiến bạn đọc (0)