Triển khai nhiệm vụ, giải pháp tài chính ngân sách những tháng cuối năm 2024
BẮC GIANG - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp tài chính ngân sách những tháng cuối năm 2024.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, thực hiện điều hành ngân sách chủ động, tích cực, linh hoạt. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; tạo môi trường phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; giảm dần số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể.
Bắc Giang triển khai nhiệm vụ, giải pháp tài chính ngân sách những tháng cuối năm 2024 (nguồn: Internet). |
Để phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) được HĐND tỉnh giao, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính, Chi cục Hải quan quản lý các KCN tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, chống thất thu NSNN; đẩy mạnh chuyển đổi số, quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; xác định các lĩnh vực, sắc thuế còn nhiều dư địa để thu đúng, đủ, kịp thời vào NSNN.
Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. UBND cấp huyện kịp thời hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm giao đất cho nhà đầu tư, không để ảnh hưởng đến tiến độ thu NSNN. Đẩy nhanh công tác định giá, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; rà soát, tổng hợp các dự án đủ điều kiện để tiếp tục tổ chức đấu giá. Ngành Thuế thực hiện nghiêm, kịp thời, đồng bộ các biện pháp xử lý, thu hồi nợ đọng thuế theo quy định.
Các đơn vị, địa phương chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và bố trí được nguồn thực hiện. Tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao đầu năm để tăng cho đầu tư hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện tốt quản lý nhà nước về giá; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia, kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản. Người đứng đầu đơn vị dự toán và chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không giải ngân hết số vốn, để hủy dự toán, trả lại vốn Trung ương khi không đủ điều kiện kéo dài hoặc chuyển nguồn sang năm 2025 thực hiện.
Các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027, kế hoạch tài chính 05 năm 2026-2030, bám sát yêu cầu, nội dung chủ yếu tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện bảo đảm quy định hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
TS
Ý kiến bạn đọc (0)