Triển khai Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Kế hoạch, năm 2023, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS&MN bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giảm bình quân 3%/năm, phấn đấu có 4 xã thoát khỏi diện ĐBKK. Hỗ trợ 182 hộ làm nhà ở, 1.234 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 2.206 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Hoàn thành 30 km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 3 chợ, 3 trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 49 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản ĐBKK; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 12 trường; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 7 trường nội trú, bán trú. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 7 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các DTTS; bảo tồn 4 làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS; 62 thiết chế văn hóa, thể thao;...
Hoàn thành đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã tại các xã vùng đồng bào DTTS&MN. Ảnh minh hoạ. |
Tổng vốn thực hiện Chương trình gần 635 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thành phần bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.
Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít và ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần Chương trình theo kế hoạch; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về phát triển KT-XH bền vững vùng đồng bào DTTS&MN. Quán triệt và cụ thể hóa các Nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, nâng cao năng lực, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân vùng thụ hưởng chính sách. Giáo dục truyền thống, văn hóa, tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, khát vọng tự vươn lên làm giàu chính đáng để thoát nghèo và giảm nghèo bền vững. Huy động, lồng ghép và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; chủ động thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí.
Tăng cường sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển kinh tế. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án tại cơ sở; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức thực hiện.
Công Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)