Trên 130 nghệ sĩ trình diễn âm nhạc tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19
Đây là chương trình do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phối hợp tổ chức như lời cảm ơn ý nghĩa dành cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Chương trình “Chúng tôi đã trở lại” (We return) sẽ diễn ra vào tối 19/6 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. |
Đây là chương trình biểu diễn quy mô hoành tráng, liên kết giữa 3 dàn nhạc lớn nhất của Việt Nam: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và Dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Sẽ có hơn 130 nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm tham gia chương trình, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực cho khán giả, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của các nghệ sĩ sau ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các nghệ sĩ trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản).
Sẽ có 4 nghệ sĩ độc tấu tham gia chương trình hòa nhạc là Hoàng Mạnh Lâm (kèn oboe); Nguyễn Thiện Minh (đàn violin); Nguyễn Huy Phương và Nguyễn Trinh Hương (đàn piano).
Các nghệ sĩ sẽ trình diễn nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc lừng danh thế giới: Khúc mở màn từ nhạc kịch “La Gazza Ladra” của G.Rossini; concerto dành cho kèn oboe, đàn violin và dàn nhạc của J.S.Bach; concerto dành cho piano và dàn nhạc của F. Poulenc; thơ giao hưởng viết cho dàn nhạc “Pini di Roma” của O. Respighi.
“La Gazza Ladra” (Con chim ác là ăn cắp) của G.Rossini (1792- 1868) là vở opera gồm 2 chương của Gioachino Rossini với phần lời của Giovanni Gherardini. Vở kịch nổi tiếng nhất với khúc mở màn (overture)...
Bản concerto viết cho kèn oboe, đàn violin và dàn nhạc được nhà soạn J.S. Bach (1685-1750) viết từ năm 1717 đến năm 1723. Sự tương phản về màu sắc giữa hai nhạc cụ solo đã tạo nên sự lôi cuốn ở các chủ đề đối đáp trong tác phẩm. Bach đã cân bằng các tương đồng và đối nghịch về kỹ thuật, âm điệu của 2 nhạc cụ độc tấu, khiến cho phần mở đầu của tác phẩm trở nên thú vị, đầy cảm hứng.
Bản concerto viết cho hai đàn piano và dàn nhạc giọng Rê thứ, FP 61, được F. Poulenc (1899 -1963) soạn trong hơn 3 tháng mùa hè năm 1932, là một trong những kiệt tác về thể loại nhạc giao hưởng của ông.
O. Respighi (1879 -1936) là nghệ sĩ violin, nhà âm nhạc học, nhà soạn nhạc hàng đầu của Italy đầu thế kỷ 20. “Pini di Roma” (Những cây thông La Mã) là tác phẩm thơ giao hưởng viết cho dàn nhạc được hoàn thành năm 1924 của ông. Tác phẩm miêu tả những cây thông ở 4 khu vực khác nhau trong thành Rome tại các thời điểm khác nhau trong ngày.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)