Trang trại cây ăn quả bên hồ Suối Nứa
Vườn cam của gia đình chị Tư rộng hơn 6ha được trồng theo các đường đồng mức nhìn ra hồ Suối Nứa rộng mênh mông. Thời điểm này, cam ngọt đang chín rộ, quả sai trĩu cành. Điều đặc biệt là bao quanh mỗi gốc cây đều có hệ thống ống tưới nhỏ giọt.
Trang trại của gia đình chị Tư nhìn ra hồ Suối Nứa. |
Chị Tư bảo: “Nhờ vậy mà tiết kiệm công lao động và vật tư chăm sóc. Chỉ cần bật công tắc là nước tưới, phân bón sẽ tự động cung cấp đến các cây mà không phải mất nhân lực bơm nước, canh vòi như trước nữa”.
Theo lời chị Tư, do thế đất cao, nếu tưới theo phương pháp thông thường sẽ khó giữ ẩm, lại vất vả hơn, bởi vậy chị đầu tư hệ thống tưới tiên tiến này. Nước được lấy từ hồ Suối Nứa đưa đến từng gốc, cả cây ở vị trí cao nhất của quả đồi cũng không bị bỏ sót. Năm nay, vườn cam nhà chị Tư ước chừng thu được khoảng 100 tấn cam, bưởi, trừ chi phí lãi hơn một tỷ đồng. Giá bán cam dao động từ 35-40 nghìn đồng/kg.
Chị Tư kể, quê chị ở xã Đông Hưng nhưng lấy chồng tại xã Quý Sơn (Lục Ngạn)- nơi có phong trào trồng cây ăn quả phát triển mạnh. Trong một lần về quê chị thấy quả đồi tại xã Đông Hưng chủ yếu là cây dại. Dưới chân đồi lại là hồ nước mát. Hai vợ chồng chị bàn bạc, đặt vấn đề thuê lại quả đồi để trồng cam. Năm 2014, anh chị cải tạo, thiết kế đồi; thuê máy, nhân công ngày đêm làm luống, xẻ rãnh tựa hình bậc thang; đào rãnh thoát nước, lối đi lại sao cho thuận tiện nhất.
Chị chọn mua cây đã trồng được một năm tuổi, khỏe mạnh, sạch bệnh từ những vườn sản xuất giống uy tín. Các công đoạn được chăm sóc tỉ mỉ, luân phiên cho cây nghỉ, không để cây bị “quá sức” mới bền gốc. Đặc biệt, để cam ngọt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chị mua cá, đậu tương ủ bón cho cây ở thời kỳ quả trưởng thành. Chị Tư chia sẻ, cần chặt bớt rễ cọc để kích thích cây ra rễ chùm, rễ tơ, tăng cường hút dinh dưỡng. Vườn cam được thu hoạch quả liên tiếp từ năm 2016 đến nay.
Ngoài trồng cam ngọt, chị còn trồng cam V2, bưởi và một số giống chanh. Hiện nay trang trại của chị tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động, cao điểm lên đến 30 người.
Nói về trang trại của chị Tư, ông Nguyễn Hải Dương, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng chia sẻ: "Ở Đông Hưng xưa nay, người dân chủ yếu khá lên nhờ trồng rừng và vải thiều. Trang trại cây có múi thu nhập cao như hộ chị Tư là kinh nghiệm quý để bà con trong xã học tập, phát triển kinh tế”.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)