Trần Việt Hùng- Chàng trai khuyết tật giàu nghị lực
Ngày Hùng cất tiếng khóc chào đời, bố mẹ anh hạnh phúc khi đón con trai đầu lòng bụ bẫm, kháu khỉnh. Tuy nhiên, niềm vui ấy chẳng kéo dài bao lâu khi gần 1 tuổi mà cậu bé chẳng thể đứng, ngồi. Đi thăm khám khắp nơi, bố mẹ anh chết lặng khi biết con trai mình mắc hội chứng bại não bẩm sinh, không thể tự đi lại; càng lớn, hai bàn tay càng co quắp, run rẩy.
Gia đình anh Trần Việt Hùng. |
Cuộc sống của Hùng gắn liền với chiếc xe lăn. Hầu như mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người thân hỗ trợ. Mỗi khi “trái gió trở trời”, những cơn đau hành hạ, người thân thay nhau xoa bóp giúp anh dịu cơn đau. Tuy đôi chân không đi lại được nhưng may mắn là Hùng vẫn có trí não bình thường. Anh được bố mẹ cho tham gia lớp học hòa nhập dành cho người khuyết tật (NKT) đến hết lớp 5, nhờ vậy, anh biết đọc, biết viết và làm được những phép tính cơ bản.
Từng có lúc, anh muốn từ bỏ cuộc sống. Suốt nhiều tháng năm ròng rã, anh sống trong sự mặc cảm. Không muốn mãi là gánh nặng của gia đình, năm 2015, anh Hùng bắt đầu mày mò học cách dựng video trên điện thoại di động. Bàn tay dị tật co quắp song các ngón vẫn có thể cử động, ấn phím được. Ban đầu chỉ là những video đơn giản ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt đời thường của gia đình, họ hàng, bạn bè. Các đoạn video sau khi đăng lên Facebook nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng.
Lúc ấy, anh thấy rất hào hứng. Càng tìm hiểu càng thấy ham, anh Hùng xin bố mẹ mua cho một chiếc máy tính cũ. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, chàng trai trẻ tự học thành thạo việc chỉnh sửa ảnh, dựng video từ Internet. Thấy vậy, một người quen giới thiệu cho anh việc làm tại nhà. Anh Hùng nói: “Tự kiếm ra những đồng tiền đầu tiên từ quá trình lao động, tuy chẳng đáng là bao nhưng tôi cảm thấy rất vui, xúc động. Tôi quyết tâm học thêm nhiều kỹ năng hơn nữa”.
Cũng chính từ những bình luận tương tác dưới các video đăng tải trên Facebook giúp anh Hùng dần mở lòng mình, có thêm những người bạn mới. Nhờ vậy, anh quen chị Nguyễn Thị Lan (SN 1999), là vợ anh hiện tại. Hai mảnh đời khiếm khuyết nương tựa vào nhau tạo thành một mái ấm. Gia đình nhỏ giờ đây có thêm hai bé gái đáng yêu, khỏe mạnh. Đây chính là động lực mạnh mẽ để vợ chồng anh tiếp tục cố gắng.
Anh Hùng là thành viên tích cực của CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang. Anh tham mưu với Ban Chủ nhiệm CLB thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật. Đến nay, anh tổ chức dạy online miễn phí về thiết kế đồ họa, chỉnh sửa ảnh, dựng video cho khoảng 30 NKT trong và ngoài tỉnh. |
Anh Hùng là thành viên tích cực của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang. Anh tham mưu với Ban Chủ nhiệm CLB thực hiện các chương trình nhằm thúc đẩy hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật.
Đến nay, anh Hùng tổ chức dạy online miễn phí về thiết kế đồ hoạ, chỉnh sửa ảnh, dựng video cho khoảng 30 NKT trong và ngoài tỉnh. Anh còn liên kết với một số công ty giới thiệu công việc cho học viên của mình. Trong số đó, nhiều người đã có thu thập ổn định, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Năm 2019, CLB Thanh niên khuyết tật trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Lạng Giang được thành lập. Anh được hội viên tin tưởng bầu là thành viên Ban Chấp hành CLB. Bằng chính câu chuyện của bản thân, anh tích cực tuyên truyền, vận động NKT trẻ ở địa phương tham gia CLB.
Ban đầu có vài thành viên, đến nay CLB thu hút 40 người tham gia, hoạt động trên tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, kết nối việc làm, giúp anh em tự tin hòa nhập, tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng. Vào dịp Tết, lễ kỷ niệm, CLB vận động nhà hảo tâm tặng hàng chục suất quà cho NKT trên địa bàn huyện. Như dịp Tết Quý Mão, CLB đã tặng hội viên 40 suất quà, trị giá 10 triệu đồng; trao 15 xe lăn cho những NKT trên địa bàn.
Với những nỗ lực của bản thân, anh Hùng là tấm gương về nghị lực, quyết tâm vượt lên chính mình.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Ý kiến bạn đọc (0)