TP Bắc Giang: Song Mai - vùng quê hiếu học, trọng tài
BẮC GIANG - Xã Song Mai xưa nay vẫn được ví là “vùng lõm” về phát triển kinh tế của TP Bắc Giang bởi cách xa trung tâm, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, điều kiện canh tác không thuận lợi. Nhận thức rõ khó khăn đó, những năm gần đây, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng các dòng họ trên địa bàn xã đặc biệt quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài nhằm góp sức với ngành Giáo dục trang bị hành trang tri thức cho lớp trẻ lập thân, lập nghiệp.
Vượt khó học giỏi
Theo giới thiệu của thầy Hiệu trưởng Trường THCS Song Mai, chúng tôi đến thăm gia đình em Thân Nguyễn Kim Anh, học sinh lớp 8A2 của trường. Kim Anh cùng mẹ đang ở với bà ngoại, năm nay đã 65 tuổi. Mẹ Kim Anh bị khuyết tật từ nhỏ, làm mẹ đơn thân nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, Kim Anh không nản chí, ngay từ nhỏ đã cố gắng học tập, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Kim Anh bộc bạch: “Cháu mong muốn sau này thi đỗ đại học để ra trường có việc làm tốt, có điều kiện chăm sóc bà và mẹ”.
Em Thân Nguyễn Kim Anh cùng bà ngoại bên góc học tập của mình. |
Căn nhà cấp 4 của gia đình Kim Anh chật hẹp nhưng được sắp đặt gọn gàng. Riêng góc học tập của Kim Anh được bố trí ở vị trí thoáng đãng. Bà Tống Thị Vinh, bà ngoại của Kim Anh cho biết: “Cháu rất ngoan và chăm học nên dù vất vả bao nhiêu đi nữa tôi cũng sẽ dành mọi thứ để cháu được học hành đến nơi đến chốn”.
Giống như gia đình bà Vinh, hộ ông Nguyễn Văn Hoạt ở thôn Phú Giã cũng là điển hình trong phong trào khuyến học. Vợ chồng ông Hoạt đều làm ruộng, điều kiện kinh tế không khá giả song vợ chồng ông luôn động viên, dành hết tâm sức lo cho các con ăn học. Ông Hoạt chia sẻ: “Tôi nhận thấy, dù làm công nhân mà được ăn học thì sẽ được bố trí ở vị trí tốt, lương cao hơn những người không học qua trường lớp bài bản”.
Không phụ công bố mẹ, 3 người con của ông Hoạt đều chăm ngoan học giỏi, thi đỗ vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Người con trai lớn hiện làm việc tại một ngân hàng ở Thủ đô Hà Nội; người con gái thứ 2 cũng vừa tốt nghiệp ra trường, đang làm trong một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; người con trai út đang học năm thứ 3 Khoa Quản lý kinh doanh.
Khuyến học, khuyến tài
Nắng chiều đầu đông chiếu xuống những làng quê ở Song Mai đang vươn mình trong gian khó. Vừa bước chân vào khoảng sân rộng, chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Việt, thôn An Phú đang ngồi dưới gốc cây ăn quả. Ông Việt là trưởng dòng họ Nguyễn Lũy ở thôn. Cách đây gần 20 năm, dòng họ Nguyễn Lũy đã xây dựng quỹ khuyến học. Đây là một trong những dòng họ đầu tiên trên địa bàn xã Song Mai nói riêng, TP Bắc Giang nói chung xây dựng được quỹ khuyến học.
Một góc Trường Tiểu học Song Mai. |
Ông Việt tâm sự: “Chỉ bằng con đường học tập thì cuộc sống sau này mới tốt đẹp hơn”. Hằng năm, các gia đình trong dòng họ Nguyễn Lũy đóng góp một khoản kinh phí vào quỹ khuyến học để khi bước vào năm học mới tổ chức trao thưởng, động viên những em có thành tích cao trong học tập và thi đỗ đại học. Bởi vậy, nhiều gia đình trong dòng họ có từ 2-3 người con học đại học như gia đình ông Nguyễn Thanh Cảnh, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Văn Toàn…
Về Song Mai, chúng tôi còn thấy được những đổi thay từ cơ sở vật chất đến chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các nhà trường. Cách đây 2 năm, thầy giáo Nguyễn Trọng Thủy, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn - Trường chất lượng cao của TP được điều động về làm Hiệu trưởng Trường THCS của xã. Tiếp nối truyền thống, phát huy thế mạnh của nhà trường, thầy cùng Ban Giám hiệu và tập thể, giáo viên, học sinh nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt.
Thầy giáo Thủy cho biết: “Năm học 2022 - 2023, nhà trường có 7 giáo viên thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, cả 7 giáo viên đều đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ cao, đứng thứ 2 toàn TP. Bước sang năm học 2023- 2024, nhà trường có 3/3 giáo viên dự kỳ thi vòng hai giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đều đạt”.
Bên cạnh việc quan tâm nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhà trường còn quan tâm giáo dục đạo đức, khơi dậy ý chí vượt khó vươn lên học tập cho các em học sinh. Trường THCS Song Mai đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, hiện thành phố và xã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường phấn đấu đạt chuẩn mức độ 2 vào thời gian tới.
Trường THCS Song Mai trao thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2022- 2023. |
Không chỉ có Trường THCS, Trường Tiểu học cũng đang triển khai dự án mở rộng, xây dựng thêm khu nhà hiệu bộ, phòng chức năng, nhà đa năng…, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng; Trường Mầm non đang hoàn thiện khu nhà hiệu bộ, khu bếp ăn, sân chơi…, với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Cả hai trường này đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đang phấn đấu sớm đạt chuẩn mức độ 2.
Ngoài ngân sách cấp trên hỗ trợ, từ nguồn ngân sách của xã và nguồn lực xã hội hóa, hằng năm, xã Song Mai huy động hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các nhà trường mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học, vui chơi cho học sinh. Đồng chí Tống Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, gần đây, Đảng ủy, HĐND, UBND xã tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài của địa phương. 100% các thôn và hơn 50 dòng họ có quỹ khuyến học. Nhiều người con quê hương thành đạt tích cực hỗ trợ động viên những em học tập tốt.
Tiêu biểu có ông Thân Đức Thế, người thôn Phúc Hạ, chủ một doanh nghiệp đang nhận đỡ đầu 2 em học sinh. “Mấy năm gần đây, năm nào xã cũng có gần 100 em giành giải cao trong các kỳ thi và thi đỗ vào các trường đại học. Đây là tiền đề quan trọng góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển vững chắc”, đồng chí Sang nói.
Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, trọng tài của quê hương, trong tháng 11 năm nay, UBND xã Song Mai sẽ thành lập Quỹ khuyến học Thân Khuê - tên một người con của xã đã thi đỗ tiến sĩ từ triều Lê (năm 1628). Điều này càng thôi thúc tinh thần học tập của thế hệ trẻ Song Mai, tạo ra bước chuyển mới trong đời sống xã hội, mang lại niềm tự hào cho người dân nơi đây.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)