Tôn vinh trí thức Bắc Giang tiêu biểu
Theo Quy định tổ chức xét, tôn vinh danh hiệu “Trí thức Bắc Giang tiêu biểu”, cá nhân tham gia xét chọn là người Bắc Giang hoặc đang sinh sống, công tác, làm việc tại tỉnh từ 5 năm trở lên bảo đảm các điều kiện: Hoàn thành tốt nhiệm vụ và nghĩa vụ công dân; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có thành tích xuất sắc và đóng góp tích cực trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; là người lao động trí óc và có trình độ từ đại học trở lên.
Ngoài các điều kiện bắt buộc trên, để được vinh danh “Trí thức Bắc Giang tiêu biểu”, cá nhân xét chọn phải đạt một trong các tiêu chuẩn, ví dụ: Có công trình, cụm công trình KH &CN đạt một trong các giải thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước; Giải thưởng Sáng tạo KH &CN Việt Nam… Cùng đó, phải có phát minh hoặc sáng chế, giải pháp hữu ích được nghiên cứu, áp dụng hiệu quả tại tỉnh và được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ KH &CN cấp bằng bảo hộ; có đề tài nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến đạt hiệu quả cao và đoạt giải nhất của tỉnh, các bộ, ngành TƯ…
Với những điều kiện, tiêu chuẩn chặt chẽ, khách quan, minh bạch, lần xét chọn đầu tiên này, toàn tỉnh có 38 hồ sơ đủ điều kiện và qua các vòng thẩm định, bỏ phiếu kín suy tôn của Hội đồng, có 27 cá nhân được tôn vinh. Trong số đó, 13 người đang công tác ở ngoài tỉnh, 14 người đã và đang công tác trong tỉnh; người cao tuổi nhất là cử nhân Lê Văn Tưởng- nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức tỉnh (sinh năm 1942) và hai người trẻ nhất, kỹ sư Đỗ Trung Kiên (Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt Hàn) và kỹ sư Nguyễn Quang Huy ( VNPT Bắc Giang), cùng sinh năm 1989.
Nhiều người trong số trí thức tiêu biểu được tôn vinh có bề dày nghiên cứu khoa học và là những chuyên gia đầu ngành của cả nước như GS.TS- Thầy thuốc Nhân dân Ngô Quý Châu (quê ở TP Bắc Giang), Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam chuyên về bệnh phổi; PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi (quê Tân Yên), Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn, chuyên ngành sản phụ khoa; PGS.TS- Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Cơ (quê Hiệp Hòa), Giám đốc Học viện Tài chính, chuyên ngành tài chính…
Có thể nói, với việc lần đầu tôn vinh trí thức tiêu biểu và sau đó được thực hiện định kỳ 5 năm một lần cho thấy sự trân trọng của tỉnh đối với đội ngũ trí thức và thật sự vinh dự đối với cá nhân được vinh danh. Mục đích của buổi lễ ngoài biểu dương, tôn vinh trí thức là người Bắc Giang còn khích lệ, phát huy phong trào học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo và cống hiến của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng, phát triển của tỉnh.
Ở bất cứ thời đại nào, đặc biệt trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của trí thức, đặc biệt là trí thức KH &CN ngày càng được coi trọng và phát huy. Hy vọng sau lễ tôn vinh sẽ là động lực để Bắc Giang ngày càng có thêm đội ngũ trí thức đủ mạnh, đủ nhiệt huyết để cùng địa phương sáng tạo, năng động, xây dựng và làm giàu đẹp thêm cho quê hương.
Ý kiến bạn đọc (0)