Tỉnh ủy Bắc Giang thông tin thời sự và quán triệt các chỉ thị về công tác đối ngoại đa phương
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí Tỉnh ủy viên, báo cáo viên cấp tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, TP...
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Tại đây, các đại biểu nghe TS Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) truyền đạt thông tin thời sự về sự thay đổi chiến lược của các nước lớn; cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung và những tác động đến Việt Nam.
Trong đó tập trung phân tích, làm rõ những tác động của cuộc chiến thương mại đến kinh tế Việt Nam cũng như những cơ hội của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại hàng hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới để đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế.
TS Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao trao đổi tại hội nghị. |
Đồng chí Thạch Văn Chung, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phổ biến, quán triệt những nội dung chính của Chỉ thị số 25, ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Chỉ thị xác định mục tiêu của công tác đối ngoại đa phương thời gian tới là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”.
Từ đó đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, xác định các tầng nấc ưu tiên là ASEAN, Liên Hợp quốc, các khuôn khổ hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác tiểu vùng.
Đồng chí Thạch Văn Chung, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quán triệt Chỉ thị số 25 và Chỉ thị số 32. |
Đối với Chỉ thị số 32 ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới, mục tiêu chính nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối ngoại của Đảng, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đối ngoại của Đảng.
Quan điểm chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước đối với 2 Chỉ thị nêu trên là: Đối ngoại đa phương là công việc của cả hệ thống chính trị, cần có sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động, trong phối hợp thực hiện, vì vậy cần phổ biến, quán triệt đến từng chi bộ, từng cán bộ và đảng viên.
Việc thực hiện các Chỉ thị sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam; tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Do đó, các cấp, các ngành cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp; chủ động phối hợp chặt chẽ trong triển khai để tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)