Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp
BẮC GIANG - Ngày 24/7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024. Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Vũ Mạnh Thắng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Trần Công Thắng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh và đồng chí Phan Thế Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng chủ trì hội nghị. |
Theo báo cáo của Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực BCĐ, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Các thành viên đã tích cực chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác tư pháp và hoạt động tư pháp trong từng ngành, lĩnh vực.
Sáu tháng đầu năm, cơ quan điều tra hai cấp (tỉnh, huyện) thụ lý 1.420 tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tiến hành điều tra 1.288 vụ án với 2.471 bị can; kết thúc điều tra đề nghị truy tố 692 vụ với 1.377 bị can; đình chỉ điều tra 15 vụ với 25 bị can; tạm đình chỉ điều tra 60 vụ với 20 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố 723 vụ với 1.478 bị can; đình chỉ 5 vụ gồm 6 bị can; tạm đình chỉ 1vụ với 1 bị can.
TAND hai cấp thụ lý 1.169 vụ án hình sự với 2.443 bị cáo (tăng 122 vụ so với cùng kỳ năm 2023); đã giải quyết 911 vụ với 1.825 bị cáo, đạt tỷ lệ 77,92%. Thụ lý 4.617 vụ án, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; đã giải quyết 2.852 vụ, việc, đạt tỷ lệ 61,77%...
Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp thụ lý tổng số 9.928 việc, tương ứng 2.294 tỷ đồng. Đã giải quyết xong 4.986 việc có điều kiện thi hành, đạt 62,28% về việc; thu được 302 tỷ đồng, đạt 24,5% về tiền.
Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tăng cường công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm; ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị vi phạm, kiến nghị phòng ngừa, văn bản yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Các kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đều được tiếp thu, thực hiện theo quy định.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Các thành viên BCĐ đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế. Đó là: Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ về công tác tư pháp và cải cách tư pháp các địa phương, đơn vị thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn tình trạng không cung cấp hoặc cung cấp chậm muộn thông tin, tài liệu chứng cứ.
Việc xử lý tài sản thi hành án dân sự tịch thu sung công quỹ Nhà nước còn hạn chế. Công tác giám định, định giá chậm, còn có vụ việc giám định chưa bảo đảm quy định của pháp luật.
Đáng chú ý là các vụ việc, vụ án quá nhiều (án dân sự tăng gấp đôi, án hình sự tăng 50% so với 5 năm trước). Thiếu kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên… dẫn đến công việc quá tải, biên chế lại bị cắt giảm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024, BCĐ Cải cách tư pháp tỉnh yêu cầu các thành viên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tăng cường phối hợp thi hành dứt điểm đối với những vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc kéo dài nhiều năm; vụ việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng; phấn đấu thi hành đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao.
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu. |
Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Thị Thu Hồng ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của BCĐ, các thành viên BCĐ, các cơ quan, đơn vị liên quan đã chủ động, tích cực, triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp, đạt nhiều kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí đề nghị, BCĐ Cải cách tư pháp tỉnh tiếp tục tham mưu BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp.
Trọng tâm là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, công tác tổ chức thi hành pháp luật, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp...
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.
Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam, không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết các vụ việc, vụ án trong lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại và thi hành án dân sự. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cung cấp chứng cứ trong giải quyết án hành chính.
Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, nhất là công tác xử lý tài sản bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước. Giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu, có giải pháp xử lý vấn đề này.
Thực hiện nghiêm chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp gắn với cái cách tư pháp và cải cách hành chính theo chỉ đạo của ngành dọc Trung ương.
Trong bối cảnh áp lực về công việc, thiếu nhân sự thực hiện nhiệm vụ cần có kế hoạch sắp xếp cán bộ hợp lý, tạo nguồn và bổ nhiệm đủ đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên và bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động.
Tin, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)