Tiếng súng Rạng Đông và những ngày rung chuyển thế giới
Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô-Viết ngay sau khi đánh chiếm Cung điện Mùa Đông. |
Tình thế hai chính quyền song song
100 năm trước, nước Nga rộng lớn chìm trong hỗn loạn. Sau khi cuộc Cách mạng tháng Hai quật đổ chế độ quân chủ, một hệ thống chính trị mới ra đời. Dù Chính phủ tư sản lâm thời quản lý đất nước nhưng trên thực tế, họ phải cạnh tranh với hệ thống Xô- Viết bởi các hội đồng do công nhân, nông dân và binh lính lập ra và được phe cực tả Bolshevik hậu thuẫn hay còn gọi là tình thế hai chính quyền song song. Đáng chú ý, khi đó, nước Nga vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với nước Đức.
Diễn biến trên chiến trường rất bất lợi cho Nga. Binh sĩ mệt mỏi vì chiến tranh, không muốn tiếp tục chiến đấu. Chính phủ lâm thời cấm hình phạt tử hình và việc đánh đập trong quân đội khiến các sĩ quan Nga khi đó gặp khó khăn trong duy trì kỷ luật. Quân đội Nga thua hết trận này đến trận khác. Tháng 7-1917, Đảng Bolshevik nỗ lực giành chính quyền ở Petrograd (Thủ đô của đế chế Nga, nay là TP Saint Petersburg) nhưng Chính quyền lâm thời đã đàn áp cuộc nổi dậy này.
Ngày 9-9-1917 (theo lịch Nga), tướng Kornilov đang ở Mogilev (nay là Belarus), nơi đặt đại bản doanh của quân đội và ra lệnh cho quân đoàn số 3 bao vây Petrograd. Lúc đó người ta cho rằng các sĩ quan ở Thủ đô sẽ theo gương nổi dậy của phái Bolshevik. Theo kế hoạch, các binh sĩ lấy cớ duy trì trật tự đã được triển khai để chiếm lĩnh thành phố, loại bỏ các lực lượng cực tả và thiết lập chế độ độc tài quân sự. Ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kerensky công khai ra lệnh cho tướng Kornilov dừng việc điều quân và từ chức. Viên tướng đáp trả một cách công khai rằng, chính quyền đang chịu ảnh hưởng của các phần tử vô trách nhiệm nên không tuân theo. Người đứng đầu chính quyền tư sản lâm thời đã gọi Kornilov là kẻ phản bội. Nước Nga nằm bên bờ một cuộc nội chiến.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 7-11-1917 do những người Bolshevik tổ chức và tiến hành dưới danh nghĩa các Xô - Viết trở thành sự kiện có tính bản lề trong lịch sử thế giới với tầm ảnh hưởng lan tỏa trong suốt thế kỷ XX. |
Điều đáng chú ý là trong tình thế ấy, phe Bolshevik coi cả Kornilov và Kerensky là kẻ thù. Khi quân của Kornilov áp sát Petrograd, Đảng Bolshevik xác định đây là mối nguy hiểm trực tiếp cận kề. Lãnh tụ cách mạng V.Lenin tuyên bố: “Chúng ta sẽ chiến đấu chống lại Kornilov, không phải vì ủng hộ Kerensky mà là để phơi bày điểm yếu của ông ta”. Trong khi phái tả tập trung lực lượng đối đầu với Kornilov, Thủ tướng Kerensky buộc phải chấp nhận liên minh với phái tả, cho phóng thích một số thủ lĩnh Bolshevik đang bị giam cầm. Lực lượng cổ động của Đảng Bolshevik giáp mặt với binh sĩ, thuyết phục họ ngưng bắn vào công nhân và cư dân thành phố. Chẳng mấy chốc, các binh sĩ do Kornilov điều tới đã tuyên bố trung thành với Chính phủ lâm thời. Ngày 12-9-1917 thất bại của tướng Kornilov trở nên rõ ràng và y đã bị bắt. Với Kerensky, đây là chiến thắng được trả bằng cái giá quá đắt. Ông ta đã đánh bại mối nguy hiểm của phe hữu nhưng các đối thủ bên phe tả - những người vừa cứu ông ta khỏi họng súng của quân đội, lại trở nên nổi bật và ảnh hưởng lớn trên chính trường Nga. Chỉ chưa đầy hai tháng sau, họ đã giành trọn chính quyền về tay mình ở Petrograd.
Cuộc chính biến do tướng Kornilov tiến hành đã không cản bước được cách mạng; ngược lại cuộc đảo chính đã vô tình giúp vũ trang cho các Xô- Viết và lực lượng Cận vệ Đỏ, cho phép phái Bolshevik hồi phục sau những tổn thất vào tháng 7 khi nỗ lực cướp chính quyền và bị đàn áp. Nền móng cho cuộc cách mạng tháng Mười trên thực tế đã được gây dựng từ trước đó vài tháng.
Những ngày rung chuyển thế giới
Đêm 7-11-1917, lực lượng Cận vệ Đỏ của Đảng Bolshevik bắt đầu tiến chiếm các cơ quan chính quyền ở thủ đô Petrograd, sau đó tiến chiếm Cung điện Mùa Đông- nơi một số bộ trưởng trong chính phủ lâm thời tư sản Kerensky đang tá túc. Chỉ trong vài giờ, chính phủ lâm thời đã bị phế truất; các thành viên chính phủ hoặc bị bắt hoặc bỏ trốn. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền do những người Bolshevik tổ chức và tiến hành dưới danh nghĩa các Xô - Viết trở thành sự kiện có tính bản lề trong lịch sử thế giới với tầm ảnh hưởng lan tỏa trong suốt thế kỷ XX.
Tuần dương hạm Rạng Đông. |
Quá trình tiến chiếm Thủ đô Petrograd của quân cách mạng bắt đầu vào sáng 7-11. Đây là thời điểm lãnh tụ V.Lenin đã về tới Viện Smolny sau nhiều tuần trốn tránh sự lùng bắt của chính quyền tư sản Nga. Trong ngày 7-11, các đội Cận vệ Đỏ và binh sĩ trung thành với Xô - Viết bắt đầu tiến quân, đánh chiếm các cơ sở xung yếu như tòa nhà chính quyền, trạm điện tín, cầu, trục đường chính và kho vũ khí. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là Cung điện Mùa Đông- nơi đặt trụ sở Chính phủ lâm thời và là nơi ở của nhiều bộ trưởng, quan chức tư sản Nga được bảo vệ bởi khoảng 3 nghìn sĩ quan, học viên sĩ quan, quân nhân dự bị và lực lượng Cossack.
Rạng Đông là tàu tuần dương của Đế quốc Nga và Liên Xô, từng tham gia Chiến tranh Nga- Nhật, Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai. Nó là một biểu tượng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga khi nổ phát súng báo hiệu cho cuộc tấn công cuối cùng vào Cung điện Mùa Đông tại Petrograd vào ngày 7-11-1917. |
Nhà báo Mỹ nổi tiếng John Reed có mặt tại đây vào chiều 7-11 từng tiết lộ, quân phòng ngự ở Cung điện Mùa Đông gồm những kẻ say rượu, đói ăn và rất khổ sở. Trong khi đó, quân cách mạng tập kết xung quanh, vây chặt Cung điện và đợi lệnh tấn công được phát đi vào lúc 21 giờ 45 phút. Khi đó, các thủy thủ từ Quân cảng Kronstadt khai hỏa pháo trên Tuần dương hạm Rạng Đông làm tín hiệu cho cuộc tấn công. Lập tức pháo từ bên kia sông Neva bắn cấp tập vào Cung điện, trong khi lực lượng Cận vệ Đỏ bắt đầu nhả đạn vào các vị trí phòng thủ của khu nhà. Lực lượng bảo vệ Cung điện chống trả yếu ớt. Nhiều người trong số họ bỏ vị trí, chạy trốn hoặc gia nhập hàng ngũ của lực lượng tấn công. Khi lực lượng Bolshevik ồ ạt lao qua các lối vào, các bộ trưởng Chính phủ lâm thời ngồi đợi điều không thể tránh khỏi và bị bắt vào thời điểm 4 tiếng đồng hồ sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Quá trình này bị chậm lại do quân khởi nghĩa mất nhiều thời gian để tìm kiếm trong 1.500 căn phòng của Cung điện rộng lớn.
Trong lúc tiếng súng vang dội khắp Petrograd, Đại hội 2 của Xô - Viết Nga khai mạc tại đại sảnh ở viện Smolny. Phe Bolshevik có khoảng 300 đại biểu, các đồng minh Cách mạng Xã hội Cánh tả có khoảng 80 đại biểu. Mặc dầu vậy, cuộc họp mở đầu bằng những diễn văn gay gắt của phe Menshevik và Cách mạng Xã hội trung dung, những người đã lên án phe Bolshevik là giành chính quyền một cách bất hợp pháp. Sau những tranh luận nảy lửa, các đại biểu Menshevik và trung dung bỏ Đại hội ra về để phản đối cuộc khởi nghĩa và việc phe Bolshevik từ chối thỏa hiệp. Đây là một sai lầm của phe Menshevik vì điều này giúp các Xô- Viết nằm trọn trong tay Đảng Bolshevik. Đại hội tiếp diễn trong vài tiếng đồng hồ nữa. Cuối cùng nghị quyết do V.Lenin soạn thảo đã được Đại hội thông qua.
Nghị quyết có nội dung: Chính phủ Xô- Viết sẽ đề xuất hòa bình tức khắc với cả nước, trao đất cho nông dân, trao quyền kiểm soát sản xuất cho công nhân, bảo đảm quyền lợi cho binh sĩ, cung cấp bánh mì cho thành phố, nhu yếu phẩm cho làng mạc, bảo đảm các dân tộc trong nước Nga hưởng quyền tự quyết thực thụ. Đại hội chuẩn y rằng, tất cả quyền lực ở các địa phương sẽ chuyển giao cho các Xô- Viết đại biểu công nhân, nông dân và binh sĩ. Với nghị quyết trên, Cách mạng tháng Mười đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Lê Dương
Ý kiến bạn đọc (0)