Tiếng gà vang xa
Chẳng phải thịt gà, thịt lợn quan trọng bởi sự “lành” hiện hữu trong đời sống thường nhật cũng như đời sống tâm linh đó sao? Ấy là nói cả về nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiêu dùng. Khi nhu cầu tăng lên thì chăn nuôi và chế biến đều không thể dừng ở lối làm ăn khép kín, nhỏ lẻ mà phải vươn lên làm ăn lớn, có tính hàng hóa. Lý thuyết là vậy, song, trên thực tế lại là một quá trình gian nan. Bởi tại nhiều yếu tố, trong đó nhân tố con người luôn có vai trò trung tâm, quyết định. Việc lay chuyển ý thức “tự cung tự cấp”, một thói quen trở thành cố hữu, không chỉ đối với người nông dân chân lấm tay bùn, đâu có dễ…
Mô hình nuôi gà quy mô lớn tại hộ Lăng Văn Liệu ở xã Tiến Thắng (Yên Thế). Ảnh: Anh Tuấn |
Chuyến công tác về huyện Yên Thế (Bắc Giang) cuối năm 2018, tại Phòng Nông nghiệp và PTNT, anh cán bộ thế hệ 8X Lương Văn Hiến cho chúng tôi biết: Hành trình chuyển đổi phương thức chăn nuôi gà đã manh nha từ năm 2003, ba năm sau (2006) thực sự phát triển, đến nay trên địa bàn huyện duy trì đàn gà nuôi thả từ 4,5 - 5 triệu con với ba lứa gối đàn, mỗi năm xuất ra thị trường từ 13 - 15 triệu con, đạt giá trị 1.300 tỷ đồng - những con số rất ấn tượng! Năm 2011, Yên Thế là nơi đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công quy trình VietGAP trong chăn nuôi gà đồi, cho sản phẩm mang thương hiệu "Gà đồi Yên Thế".
Dù được ông Phạm Công Vân, Thường trực Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế giới thiệu trước, chúng tôi vẫn không khỏi bỡ ngỡ trước sự chuyển mình của bà con xã Đồng Tâm trong việc đưa con gà lên một vị thế mới với thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” - một định danh phải đổi bằng lao tâm khổ tứ trong khoảng 2 nghìn ngày đêm, kể từ năm 2006 khi bắt tay vào thực hiện phát triển chăn nuôi theo quy trình mới.
Được biết, sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” sẽ có mặt ở hầu hết các tỉnh, TP trong cả nước trong dịp Tết cổ truyền. Tuy chưa tham gia xuất khẩu nhưng sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đã có chứng chỉ được bảo hộ tại Trung Quốc, Lào, Singapore; riêng trứng gà được Thái Lan và Campuchia bảo hộ. Chúng tôi vui lây niềm vui của cán bộ và nhân dân huyện Yên Thế. Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã cất tiếng vang và chắc chắn sẽ vang xa hơn nữa… |
Thăm trang trại chăn nuôi “Gà đồi Yên Thế” của gia đình anh Nguyễn Xuân Hiếu, thôn Đề Thám, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi căn bản trong tư duy của người nông dân. Anh Hiếu cho biết, để có được cơ ngơi chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả như hiện nay, gia đình anh phải trải qua hơn 20 năm, kể từ ngày định cư tại đây (hai vợ chồng anh quê ở huyện Yên Dũng). “Nhập gia phải tùy tục”, theo cách của bà con ở đây, trên diện tích 15 nghìn m2 đồi hoang, anh cũng chọn trồng cây vải thiều và nuôi gà thả. Song, mọi sự bấp bênh, rủi ro vẫn quanh quẩn, thường trực. May thay, huyện có chủ trương chuyển đổi hướng sản xuất: Nuôi gà theo phương thức chăn - thả có quy mô và chuyên nghiệp hóa, kết hợp với trồng cây ăn quả. Chủ trương này tận dụng những ưu thế có sẵn trong dân, chỉ cần tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất sao cho quy củ từ các khâu “đầu vào” đến “đầu ra”, tức là chủ động điều khiển quy trình sản xuất theo đúng mục tiêu và kế hoạch, để dần thoát cảnh lệ thuộc vào các điều kiện tự nhiên luôn thay đổi bất thường. Dịch cúm gia cầm năm 2000 là một thực tế của sự lệ thuộc đó. Nạn dịch để lại sự thiệt hại to lớn cho người nuôi gà thủ công, nhưng đồng thời cũng cho thấy phải nhanh chóng “lập” được thế chủ động trong việc kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi.
Trăn trở suy nghĩ, anh Hiếu nhận ra mình đang “mặc” chiếc áo vừa chật vừa quá cũ, không thể cứ vá víu mãi được, cần phải thay chiếc áo mới. Ngoài công việc, hằng ngày anh tìm hiểu qua sách báo, trên mạng những kiến thức liên quan đến phương thức chăn nuôi mới, từ đó bắt tay vào quy hoạch và cải tạo cơ ngơi sẵn có.
Anh Hiếu tâm sự: “Không đứng dưới gốc cây thì chẳng biết gì cả”, ý nói từ thực tiễn mới nảy ra ý tưởng và cách làm ăn phù hợp. Anh cho rằng, thời buổi cơ chế thị trường, công việc kinh doanh không thể chỉ trông đợi vào sự cần cù mà phải có kỹ năng, phải hiểu biết khoa học công nghệ; đồng vốn bỏ ra ít hay nhiều cũng không quan trọng bằng kỹ năng quay vòng nó. Anh tính, để nuôi 1.000 con gà, từ lúc “úm” gà con đến khi xuất chuồng phải đầu tư từ 80 đến 100 triệu đồng, tức là việc quay vòng đồng vốn phải được hạch toán chi ly và cẩn trọng, để làm sao khi trừ tất cả các khoản, phải thu về số lãi (bình quân) khoảng 15 triệu đồng/1.000 con gà. Thực tế, gia đình anh đã làm được. Cộng cả hai khoản, từ cây ăn quả và nuôi gà, gia đình anh thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Cuộc nói chuyện với Nguyễn Xuân Hiếu, tuy ngắn ngủi nhưng thật thú vị. Tôi rất nhớ và ấn tượng với cách trả lời ngắn gọn nhưng trí tuệ của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũ Trí Hải tại trụ sở UBND huyện trước khi tiếp xúc với các đơn vị cơ sở. Anh nói rằng, ở cương vị của mình, thông qua công tác chỉ đạo, phải làm sao thực hiện bằng được hai điều- thứ nhất là giành chiến thắng trên sân nhà, thứ hai là đồng hành cùng lớp trẻ. Tôi hiểu, cả hai điều anh nói chung quy là tư tưởng chỉ đạo và cũng là ý chí của lãnh đạo cần phải được hiện thực hóa trong suy nghĩ và hành động tới từng cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
Thâm nhập tìm hiểu “Thương hiệu Chè xanh bản Ven” thuộc xã Xuân Lương hay Công ty Lâm nghiệp Yên Thế, chúng tôi cảm nhận sự chuyển mình nhất quán trong việc hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện ở công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất, kinh doanh. Đó là thành công của đồng bào Cao Lan ở bản Ven đưa sản phẩm chè thành thương hiệu, là hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường rừng đủ tiêu chuẩn, được cấp chứng chỉ quốc tế FSC, để tiến tới phát triển cây gỗ lớn, chế biến các nguyên liệu từ rừng theo công nghệ tiên tiến và thu lợi nhuận từ rừng ở Công ty Lâm nghiệp Yên Thế. Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, không chỉ đưa xã Đồng Tâm lên vị trí điển hình về xây dựng nông thôn mới mà còn là điển hình về sự chuyển đổi mô hình sản xuất- kinh doanh quy mô lớn. Sự thành công, dù là bước đầu, của ba đơn vị nói trên đã và đang củng cố niềm tin của nhân dân đối với định hướng phát triển KT- XH lâu dài và bền vững trên vùng đất này.
Lúc chia tay, Nguyễn Xuân Hiếu ao ước: “Nếu các bác thu xếp về với bà con thôn Đề Thám vào dịp xuất chuồng lứa gà giáp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi thì vui biết mấy…”. Ông Phạm Công Vân giọng phấn khởi: “Đúng đấy. Các nhà văn sẽ chứng kiến việc dán tem truy xuất nguồn gốc lên từng con gà thành phẩm vui như hội. Sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” sẽ có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành trong cả nước trong dịp Tết cổ truyền. Tuy chưa tham gia xuất khẩu, nhưng sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” đã có chứng chỉ được bảo hộ tại Trung Quốc, Lào, Singapore; riêng trứng gà được Thái Lan và Campuchia bảo hộ”.
Chúng tôi vui lây niềm vui của cán bộ và nhân dân huyện Yên Thế. Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã cất tiếng vang và chắc chắn sẽ vang xa hơn nữa…
Bút ký của nhà văn Cao Ngọc Thắng
Ý kiến bạn đọc (0)