Tiến tới giải quyết TTHC không phụ thuộc địa giới
Sẵn sàng hạ tầng
Thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3/2021, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai.
Mục tiêu là đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết còn hiệu lực của các sở, ngành.
Cán bộ một cửa xã Quế Nham (Tân Yên) rà soát số hồ sơ còn thời hạn để lập danh mục thực hiện số hóa. |
Theo bà Trần Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông), hiện nay số hóa phải thực hiện 2 việc là số hóa tại chỗ đối với những hồ sơ đang tiếp nhận và số hóa hồ sơ còn hiệu lực tại các cơ quan chuyên môn. Việc số hóa tại chỗ do cán bộ bộ phận một cửa thực hiện; còn lại do các cơ quan phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai. Quá trình triển khai phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm tương thích số liệu.
Tỉnh Bắc Giang có nhiều thuận lợi để triển khai số hóa tại chỗ khi tỉnh đang sử dụng một số nền tảng, hệ thống dùng chung mang tính đổi mới và kết nối cao như: Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, cổng dịch vụ công, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, thư công vụ... Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ số hóa tại bộ phận một cửa như máy vi tính, máy scan được đầu tư.
Đặc biệt việc triển khai ký số điện tử của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khá tốt. Tỷ lệ văn bản lãnh đạo ký số đạt cao, tại cấp tỉnh là 98,4%. Tuy nhiên để bảo đảm hạ tầng, hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với nhà thầu hợp nhất cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; điều chỉnh một số chức năng trên hệ thống, bảo đảm đồng bộ với quy trình TTHC.
Trong khi giải quyết thủ tục cho người dân, chị Nguyễn Thị Chinh, cán bộ một cửa thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) nhanh chóng sử dụng máy scan để quét tài liệu lên hệ thống và nhập thông tin liên quan. Chị nói: “Khi tiếp nhận hồ sơ hoặc trả kết quả TTHC cho tổ chức, công dân chúng tôi đều đính kèm lên phần mềm một cửa. Ngoài ra với các hồ sơ lĩnh vực hộ tịch, khai sinh thì thành phần hồ sơ cũng được lưu trữ trên mạng nên thuận lợi khi tra cứu, giải quyết thủ tục cho lần tiếp theo”.
Đẩy nhanh tiến độ
Mục tiêu năm 2022, Bắc Giang hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt thấp nhất 50% ở cấp tỉnh, 40% ở cấp huyện và 35% ở cấp xã để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Do vậy thời điểm này, các cơ quan, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Huyện Tân Yên đã hoàn thành khảo sát số hồ sơ TTHC còn hiệu lực số hóa. Ông Giáp Văn Lượng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện theo các giai đoạn cụ thể.
Mục tiêu năm 2022, Bắc Giang hoàn thành số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt ít nhất 50% ở cấp tỉnh, 40% ở cấp huyện và 35% ở cấp xã để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. |
Qua rà soát, trước mắt, huyện sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn số hóa hơn 53 nghìn trang A4 đối với hồ sơ từ tháng 1/2020 đến tháng 8/2021 của các phòng, ban cấp huyện.
Cùng đó đẩy mạnh số hóa trực tiếp hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa, bảo đảm tỷ lệ theo kế hoạch đề ra.
Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, bổ sung trang thiết bị như máy vi tính, máy scan, đường truyền mạng. Hiện tại bộ phận một cửa các xã, thị trấn cơ bản có từ 1-3 máy scan”.
Cũng theo ông Lượng, cơ sở hạ tầng CNTT tốt, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, trình độ đạt chuẩn là những thuận lợi trong triển khai công việc. Huyện Tân Yên sẽ ưu tiên số hóa hồ sơ TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ, bảo đảm tỷ lệ song thuận tiện khai thác.
Tương tự huyện Hiệp Hòa đã hoàn thành khảo sát số hồ sơ TTHC đang lưu trữ tại 8 phòng chuyên môn là: Văn hóa - Thông tin; Giáo dục và Đào tạo; Tư pháp; Tài nguyên - Môi trường; Tài chính - Kế hoạch; Kinh tế - Hạ tầng; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nội vụ và 25 xã, thị trấn. Tổng số hơn 1 nghìn hồ sơ, tương đương hơn 8 nghìn trang, 17,4 nghìn trường dữ liệu.
Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan đơn vị thực hiện toàn bộ quy trình số hoá, gắn với quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC đối với các hồ sơ tiếp nhận mới.
Rà soát, sắp xếp, đổi mới quy trình, cách thức tổ chức công việc, nhân sự và bổ sung các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết (thiết bị số hóa hồ sơ, giấy tờ; máy scan; máy tính; máy in màu...) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa các cấp. Trên cơ sở thực hiện số hóa, chủ động lựa chọn, đề xuất của các cơ quan, đơn vị, thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận, xử lý, trả kết quả TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông, trong năm 2021, Sở đã phối hợp các đơn vị ban hành quy trình hướng dẫn. Trong tháng 3/2022 sẽ tổ chức tập huấn cho 300 cán bộ một cửa, CNTT các cấp trên địa bàn; bảo đảm khi số hóa xong thì dữ liệu cuối cùng phải là dữ liệu sống, đồng bộ, sử dụng được. Cùng đó nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu; xây dựng kho dữ liệu số của tỉnh, phấn đấu xong trong tháng 6/2022.
Vy Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)