Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2,4 nghìn người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy tại 90% phường, xã, thị trấn. Tình hình người nghiện ma túy còn phức tạp, có xu hướng chuyển dần từ sử dụng ma túy nguồn gốc dạng thuốc phiện sang ma túy tổng hợp và hỗn hợp.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Thời gian qua, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, TP tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng các mô hình cai nghiện, điều trị. Trong đó, tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp khu cai nghiện bắt buộc tại xã Ngọc Châu (Tân Yên); hiện hai cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đang quản lý, cai nghiện cho 230 người. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh duy trì khu điều trị thay thế bằng thuốc Methadone với công suất 500 bệnh nhân.
Trung tâm y tế các huyện, TP duy trì 10 cơ sở điều trị và 1 điểm cấp phát thuốc Methadonne trực thuộc, đáp ứng cho 100% người nghiện trên địa bàn có nhu cầu đến uống thuốc. Hiện hơn 1,3 nghìn người nghiện tham gia dùng thuốc Methadone. Các phường, xã có người nghiện ma túy đã bố trí nhân sự và địa điểm để tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hỗ trợ người nghiện đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng…
Quang cảnh hội nghị. |
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã nêu khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tại địa phương, đơn vị. Lãnh đạo UBND huyện Lạng Giang cho rằng còn thiếu cơ sở vật chất và nhân lực tham gia công tác này. Lãnh đạo UBND huyện Việt Yên nêu những bất cập trong việc thiết lập hồ sơ đưa người nghiện vào cai tập trung. Đại diện các sở: LĐTBXH, Y tế và Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh phản ánh tình trạng thiếu nhân lực dẫn đến cơ sở cai nghiện của tỉnh quá tải.
Đại diện Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cai nghiện ma túy tại địa bàn. |
Qua thực tế triển khai tại địa bàn, đại diện Công an xã Cảnh Thuỵ và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng cho biết đã tăng cường phối hợp với cán bộ ngành LĐTBXH và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện tự nguyện đi đến cơ sở y tế cai nghiện. Qua đó đã hoàn thiện hồ sơ đưa một số trường hợp đến cơ sở y tế điều trị cắt cơn và sau cai nghiện tiếp tục quản lý, theo dõi, được giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, quyết tâm hoàn lương. Đại diện UBND huyện Hiệp Hòa cho biết đã huy động sự phối hợp với gia đình người nghiện chăm sóc bệnh nhân trong quá trình điều trị cắt cơn tại cơ sở y tế.
Phát biểu tại đây, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, địa bàn Bắc Giang có nguy cơ cao phát sinh đối tượng nghiện ma túy do các dịch vụ kinh doanh lĩnh vực giải trí ngày càng phát triển, lực lượng công nhân đông từ nhiều nơi về cư trú, lao động. Để làm tốt công tác cai nghiện và quản lý đối tượng sau cai nghiện cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng như y tế, lao động và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Quan tâm hỗ trợ tạo việc làm cho các những trường hợp sau cai nghiện; đẩy mạnh tuyên truyền về những người cai nghiện thành công, nhân rộng mô hình hiệu quả trong tổ chức điều trị cắt cơn cho người nghiện tại cộng đồng. Ngành chức năng và các địa phương tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia quản lý, giáo dục, điều trị, chăm sóc người nghiện. Trong tháng 12 năm nay, tất cả các huyện đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải đưa được người nghiện ma túy vào điều trị cắt cơn. Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường nguồn nhân lực cho công tác này.
Tin, ảnh: Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)