Cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng: Điều kiện đã có, sao khó thực hiện?
Bắc Giang là tỉnh sớm xây dựng được mô hình cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (gọi tắt là cai tự nguyện). Theo đó, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) đã quy hoạch riêng một khu cai tự nguyện với quy mô 50 giường bệnh. Bệnh viện Tâm thần tỉnh (trực thuộc Sở Y tế) duy trì khu tự nguyện điều trị rối loạn thần kinh do sử dụng ma túy tổng hợp, công suất tiếp nhận 70 giường bệnh.
Điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. |
Trung tâm y tế một số huyện đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất sẵn có, bố trí trang thiết bị, phương tiện và nhân sự cho khu cai tự nguyện; y, bác sĩ được tập huấn về xác định tình trạng nghiện, điều trị và cai nghiện; có người phụ trách về giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách, tiếp nhận, phân loại người cai.
Đến nay toàn tỉnh có 5 huyện công bố cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai tự nguyện là: Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang và Lục Nam. Hiện 100% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy đã bố trí nhân sự và địa điểm để tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hỗ trợ người nghiện đăng ký cai tại gia đình, cộng đồng. Đáng chú ý, ngày 14/7/2023, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 42/2023/NQ-HĐND về chính sách cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.
Theo đó ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ một lần kinh phí cai nghiện đối với người cai tự nguyện với tổng số tiền bằng 2,8 lần mức lương cơ sở (5,04 triệu đồng/người).
Ông Nguyễn Văn Khoái, Phó trưởng Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: "Năm 2023, UBND tỉnh giao chỉ tiêu các huyện, TP cai tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho tổng số 230 người. Đến hết tháng 8, UBND các xã, phường, thị trấn đã ban hành 80 quyết định. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có trường hợp nào thực hiện, tự nguyện đi cai".
Toàn tỉnh hiện có 189/209 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy (chiếm 90,4%). Số người nghiện có hồ sơ quản lý là 2.746 người. Công an các địa phương phối hợp đưa 274 người sử dụng trái phép chất ma tuý vào quản lý tại xã, phường, thị trấn; lập 344 hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. |
Tìm hiểu được biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Như trường hợp Nguyễn Văn T (SN 1995) ở thôn Yên Tập Bến, xã Yên Lư (Yên Dũng), mặc dù có quyết định cai tự nguyện nhưng chưa kịp đi thì vừa qua, T bị Công an huyện bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý.
Có người bị sốc thuốc tử vong; nhiều trường hợp không có mặt thường xuyên tại nơi cư trú; người lại mặc cảm nên cán bộ theo dõi không thể tiếp cận được để tư vấn. Còn lại đa số không đi cai là do bản thân người nghiện, gia đình ngại ngần, xấu hổ, không muốn cho cộng đồng xung quanh biết là mình, người thân của mình bị nghiện.
Hiện nay, tình hình tệ nạn và tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp. Theo Công an tỉnh, trong hai năm qua, lực lượng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 654 vụ, 1.007 đối tượng liên quan đến ma tuý (tăng 84 vụ, 241 đối tượng so với hai năm trước). Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 604 vụ, 876 bị can phạm tội về ma tuý. Người nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp và hỗn hợp nhiều loại ma túy (chiếm 35%).
Phát sinh nhiều vụ tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở karaoke, quán bar, nhà nghỉ, nhà trọ... Hậu quả của nghiện ma túy thật khủng khiếp, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ mà còn tác động tiêu cực đến người thân, gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, giống nòi...
Đáng chú ý, ma túy là bạn đồng hành của tội phạm, là nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như: Trộm cắp, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, giết người bất chấp pháp luật, đạo lý, quên cả tính mạng chỉ nhằm mục đích có tiền để mua ma tuý hút chích. Điều này phụ thuộc phần lớn vào bản thân mỗi người nghiện.
Họ cần phải nhận thức sâu sắc được việc cai nghiện là tốt cho mình, cho gia đình và xã hội; nguy cơ tái nghiện rất cao nếu không được cai kịp thời. Cùng đó, gia đình, người thân quan tâm vận động, động viên, hỗ trợ bởi thời gian cắt cơn chỉ từ 15 đến 20 ngày ở cơ sở cai tự nguyện, sau đó người nghiện vẫn về nhà đi làm bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt.
Trước thực trạng người nghiện còn chần chừ, không tự giác, tự nguyện đi cai, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo. Theo đó Chủ tịch UBND các huyện, TP chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện chỉ tiêu cai nghiện tự nguyện được giao năm 2023 (tổng số 230 người). UBND cấp xã, các ngành chức năng thực hiện ngay việc tuyên truyền, vận động đối tượng đăng ký, lập hồ sơ và tổ chức thực hiện cai nghiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với 5 huyện, TP còn lại chưa công bố cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy cần khẩn trương hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo tiêu chuẩn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp xã tăng cường lập hồ sơ và đưa người nghiện đi cai.
Chú ý phân tách, phân loại đối tượng, bước đầu tập trung vào nhóm người trẻ, mới nghiện để tuyên truyền, vận động; phối hợp lập hồ sơ đưa cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai. Cùng đó kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy; tổ chức các hoạt động xét nghiệm chất ma túy, xác định tình trạng nghiện để đưa vào quản lý tại địa phương theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)