Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
BẮC GIANG - Tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm tới hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), xem đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Từ đó, nhiều ý tưởng, dự án được ươm mầm, hiện thực hóa và ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn.
Ý tưởng, dự án tiềm năng
Năm 2023 là năm đầu tiên Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bắc Giang phối hợp tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp ĐMST” (nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bắc Giang năm 2023 và trình diễn kết nối cung cầu công nghệ-Techfest Bắc Giang 2023 do UBND tỉnh tổ chức). Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo tổ chức, cá nhân. Các dự án tham gia thuộc nhiều lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; môi trường; y dược; giáo dục; thương mại; điện tử; công nghệ thông tin… Tại vòng chung kết, Ban tổ chức trao thưởng cho 9 dự án khởi nghiệp nổi bật, có tiềm năng. Sau cuộc thi đó, các tác giả, nhóm tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm khởi nghiệp để phát triển, ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn.
Học sinh tham gia khóa học lập trình Lego thuộc dự án "Hệ sinh thái giáo dục BG STEAM". |
Dự án “Chiếc hộp hạnh phúc” của tác giả Vũ Thị Lan Phương, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) và cộng sự đoạt giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp ĐMST”. Chị Phương chia sẻ, dự án này lấy cảm hứng từ con đường hoằng pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Ban đầu, “Chiếc hộp hạnh phúc” gồm ba bộ sản phẩm: Cuốn sổ tay hướng dẫn thực tập thiền, hương cổ dã hương và chuỗi hạt làm từ gỗ dã hương. Sau cuộc thi, nhóm tác giả bổ sung đế cắm hương làm từ đất nung có hình gác chuông chùa, hoa văn trang trí là biểu tượng hoa sen; mục đích đem đến sự tiện lợi trong quá trình sử dụng và tăng tính thẩm mỹ, giá trị lịch sử.
Mẫu mã hộp đựng sản phẩm cũng được thay đổi đẹp mắt, ý nghĩa hơn. Điểm nhấn là hình ảnh chùa Vĩnh Nghiêm, gác chuông ngoài tam quan, lá bồ đề thời Lý-Trần. Nhóm tác giả dự án đang tìm hiểu, tiếp cận thị trường để sản xuất số lượng lớn trong thời gian tới và mong muốn đây sẽ là sản phẩm đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, dùng làm quà tặng cao cấp, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa-tâm linh, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Giang.
Nhiều dự án khác cũng phát huy tính hiệu quả, sáng tạo. Đơn cử như dự án ứng dụng đường vải thiều trong lên men chất tẩy rửa sinh học của tác giả Trần Thị Hoàn, thành viên Hợp tác xã (HTX) Lục Ngạn Xanh. Bằng cách ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, HTX nơi chị Hoàn làm việc đã cung cấp cho thị trường khoảng 4 nghìn sản phẩm các loại/năm; doanh thu hơn 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, anh Hoàng Xuân Mau, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cao Lan (Yên Thế)-tác giả dự án nông trại Cao Lan Farmstay đã đưa các món ăn đặc trưng của dân tộc mình (lạp sườn, thịt lợn gác bếp...) đến nhiều thực khách ở trong và ngoài tỉnh.
Phát huy các nguồn lực
Ngoài hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST do Sở KH&CN tổ chức, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể cũng quan tâm tới phong trào khởi nghiệp, hướng nghiệp, đào tạo nghề như Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Liên minh HTX tỉnh, đoàn thanh niên, các nhà trường… Mỗi năm, hàng trăm ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST được triển khai, nhân rộng. Nhìn chung, các dự án “phủ sóng” ở nhiều lĩnh vực, có tính mới, khả quan, sát thực tiễn. Tuy nhiên, phần lớn dự án, ý tưởng khởi nghiệp là của các cá nhân, HTX quy mô nhỏ nên gặp khó khăn về kinh phí thực hiện, ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường…
Nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể quan tâm tới phong trào khởi nghiệp, hướng nghiệp, đào tạo nghề như Sở KH&CN, Hội LHPN, Liên minh HTX tỉnh, đoàn thanh niên, các nhà trường… Mỗi năm, hàng trăm ý tưởng, dự án khởi nghiệp ĐMST được triển khai, nhân rộng. |
Bên cạnh tinh thần vượt khó, phát huy nội lực của đơn vị có ý tưởng khởi nghiệp, các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Sau nhiều năm triển khai, dự án “Hệ sinh thái giáo dục BG STEAM” (được thực hiện từ các giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn và đội ngũ cử nhân chuyên ngành công nghệ thông tin) đã trở thành môi trường học tập thú vị, bổ ích cho các bạn học sinh đam mê công nghệ thông tin. Được biết, dự án này gồm các khóa học lập trình và STEAM, đi kèm là bộ công cụ thực hành, trải nghiệm đa cấp độ.
Chị Trần Thu Hương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ BG STEAM (đơn vị đồng hành thực hiện dự án) cho biết thêm, để tiếp tục hoàn thiện dự án, nâng chất lượng đào tạo, câu lạc bộ đã đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bổ sung các khóa học lập trình theo chuỗi liên kết và có áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy. Hiện số lượng học sinh học trực tiếp và trực tuyến hơn 100 người, tăng khoảng 30% so với thời điểm trước khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp. Tại cuộc thi Robocon tỉnh Bắc Giang năm 2024 vừa được tổ chức mới đây, các giáo viên, hướng dẫn viên của Câu lạc bộ được Ban Tổ chức cuộc thi lựa chọn để đồng hành, hướng dẫn thí sinh chinh phục các thử thách tại cuộc thi. Qua đó giúp nhóm tác giả dự án có thêm cơ hội giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa tình yêu công nghệ tới thế hệ trẻ.
Phát huy kết quả từ cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST lần thứ nhất (năm 2023), Sở KH&CN tiếp tục duy trì tổ chức cuộc thi này định kỳ 2 năm một lần. Ngoài ra còn quan tâm phối hợp với các nhà trường tập huấn, định hướng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Hội LHPN các cấp cũng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phong trào khởi nghiệp.
Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN tỉnh chủ động tham mưu, triển khai kế hoạch thực hiện đề án theo nhiệm vụ được phân công; đưa nội dung thực hiện đề án vào chỉ tiêu thi đua hàng năm của các cấp hội; phối hợp vận động thành lập các HTX do phụ nữ làm chủ; hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ vay vốn ưu đãi… Nhờ đó, phong trào khởi nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng; hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan, tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học để thực hiện các dự án, nhiệm vụ khoa học là thế mạnh của tỉnh. Những ý tưởng, dự án có tiềm năng cần được quan tâm hỗ trợ để phát huy tính hiệu quả, nhân rộng trong thực tiễn.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)