Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, khắc phục tình trạng thiếu thuốc
Phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. |
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, đang có những biến chủng mới; vaccine tiếp tục suy giảm hiệu lực theo thời gian; ngoài ra còn các loại dịch sốt xuất huyết, các loại bệnh khác.
Kinh nghiệm cho thấy, khi không có vaccine thì vất vả, khổ sở, hy sinh, mất mát như thế nào; không ai quên được những ngày tháng cách đây một năm. Qua đó, chúng ta thấy càng phải coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh, càng ý thức được những lúc thanh thản, bình yên như thế này, nếu không nỗ lực thì sẽ tái diễn cảnh năm ngoái.
Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp phải thấm nhuần bài học này, để trong tư tưởng, tư duy, cách tiếp cận phải không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Phải tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở, rà soát đối tượng tiêm vaccine; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phục hồi nhanh và phát triển bền vững, phòng, chống dịch theo Nghị quyết 38 của Chính phủ.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Y tế thường xuyên bám sát tình hình, cập nhật kịch bản và các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương; không để dịch bệnh bùng phát lại. Địa phương nào, cơ quan nào để dịch bùng phát thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Bộ Y tế rà soát, khẩn trương tiêm vaccine theo đúng chỉ đạo đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Phải vận động nhân dân thay đổi hành vi, tích cực đi tiêm vaccine, nếu cần phải sửa đổi luật pháp để tăng cường bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Khắc phục khó khăn, bảo đảm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế cho phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và khám chữa bệnh nói chung.
Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính rà soát các quy định. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, “dám làm, dám chịu trách nhiệm”; tháo gỡ chồng chéo về thủ tục, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc ngay trong tháng 9 này. Không vì xử lý kỷ luật mà ách tắc việc này; ai làm sai thì vẫn phải bị xử lý. Các cơ quan chức năng, điều tra phải đánh giá khách quan; không vì vướng mắc thủ tục mà để thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài.
Liên quan tiêm vaccine, Thủ tướng nêu rõ, có tình trạng trục trặc liên quan thống kê tỷ lệ tiêm chủng, do đó Bộ Y tế cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp cần rà soát, thống kê, bảo đảm khớp các số liệu, bảo đảm tính chính xác. Các địa phương chậm tiêm chủng, bị nêu tên trong báo cáo của Bộ Y tế thì cần phải khắc phục. Các cơ quan phải đổi mới cách tuyên truyền cho nhân dân chấp hành ý thức, hưởng ứng việc tiêm vaccine.
Thủ tướng biểu dương các địa phương: Nghệ An, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bến Tre, Quảng Ninh (đạt tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất); Tiền Giang, Bà Rịa -Vũng Tàu, Quảng Bình, Điện Biên, Bắc Kạn (đạt tỷ lệ tiêm mũi 4 cao nhất); Bắc Giang, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Kon Tum, Lâm Đồng (đạt tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cao nhất); Sóc Trăng, Bắc Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long (đạt tỷ lệ tiêm mũi 2 cho cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao nhất).
Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Phú Yên, Quảng Trị… nghiêm túc rà soát, làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành việc tiêm vaccine để khẩn trương có biện pháp khắc phục.
Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đánh giá lại việc đấu thầu mua sắm thuốc tập trung; khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, sửa đổi ngay các Thông tư của Bộ về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế… để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm; bảo đảm việc mua sắm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; không dàn trải, manh mún, tràn lan.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư bảo đảm ứng phó kịp thời, tại chỗ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vaccine ngừa Covid-19 để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em, học sinh; qua việc này góp phần xây dựng nhân cách cho các cháu học sinh có trách nhiệm với cộng đồng; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trường học.
Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát các đối tượng được hưởng các tiêu chuẩn, các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các địa phương cũng phải vào cuộc rà soát, coi đây là việc quan trọng, chú ý quan tâm các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các đối tượng yếu thế, các cháu mồ côi cha mẹ vì dịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải chủ động phòng, chống dịch tốt; đẩy mạnh xúc tiến du lịch, phối hợp với các bộ, ngành chức năng (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao) nghiên cứu, mở rộng chính sách visa để phát triển du lịch, vì đây là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tiếp tục đẩy mạnh, nghiên cứu thêm cách thông tin, tuyên truyền về chủ trương, tập trung vào tuyên truyền sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, các thành tựu kinh tế-xã hội.
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)