Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ động phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. |
Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”, năm 2021, công tác tư pháp được các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách linh hoạt, toàn diện. Các cơ quan tư pháp đã ban hành, trình gần 8.900 văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ.
Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tham mưu, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế để triển khai trong toàn hệ thống chính trị. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 494 nghìn việc với hơn 45,7 nghìn tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, đặt trọng tâm vào thanh tra chuyên ngành phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại các địa phương. Qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Công an huyện Lạng Giang tuyên truyền quy định về an toàn giao thông tại thị trấn Vôi. |
Năm 2021, Bắc Giang là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn do dịch Covdi-19. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổng hợp kết quả rà soát, nhận diện những tồn tại, hạn chế trong các quy định pháp luật trước tác động của đại dịch. Từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định gây vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống xã hội…
Việc xử lý vi phạm cũng được tăng cường. Từ ngày 27/4 đến nay, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với đơn vị chức năng, chính quyền các cấp xử lý vi phạm hành chính gần 8 nghìn trường hợp, khởi tố 10 vụ vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng chí Mai Sơn đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chủ động, kịp thời rà soát và xử lý, tham mưu xử lý theo thẩm quyền kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2022, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật.
Chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản.
Quan tâm phát triển hiệu quả, chất lượng hoạt động trọng tài, hòa giải thương mại; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của ngành tư pháp trong triển khai công tác năm 2021; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những thành tựu.
Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2022 sẽ có nhiều khó khăn thách thức, ngành tư pháp cần chủ động nhận định tình hình, chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng tâm thế để triển khai hiệu quả các mặt công tác. Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng các cấp, đòi hỏi môi trường pháp lý phải được cải thiện, nâng cao, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng gắn với tình hình thực tiễn. Quá trình triển khai phải lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm căn cứ xây dựng thước đo pháp lý phù hợp.
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, huy động trí lực của nhân dân, MTTQ, các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát và phát huy sức mạnh nhân dân trong tổ chức thực hiện các quy định pháp luật. Chấn chỉnh tình trạng chưa xem trọng công tác xây dựng thể chế ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu đầu tư hơn nữa và tạo đột phá trong công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, từ đó tạo bước đột phá trong triển khai công tác thực thi pháp luật. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất và phân bổ nguồn nhân lực hợp lý với các ngành khác. Thủ tướng đề nghị cần chủ động phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế.
Ý kiến bạn đọc (0)