Xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Tòa án điện tử là sử dụng công nghệ số để hỗ trợ các hoạt động của tòa án theo từng công đoạn, quy trình nghiệp vụ như: Khai án, hầu tòa, tố tụng, xử án và tuyên án trực tuyến...
Giám sát phiên tòa thông qua hệ thống trực tuyến tại TAND huyện Yên Dũng. |
Thông qua đó công khai, minh bạch hoạt động, hướng tới mục tiêu cải cách hành chính, tư pháp, phục vụ nhân dân tốt hơn. Xác định đây là nội dung rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, TAND tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện, chú trọng đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tòa án ở cả hai cấp. Đơn vị thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán, thư ký.
Hiện tại, 100% cán bộ, công chức ngành tòa án tỉnh đều nắm chắc các kỹ năng, ứng dụng phần mềm để tra cứu, lưu trữ thông tin, tham gia họp, tập huấn trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Thẩm phán tòa án hình sự cho biết: Với số lượng án lớn nên khi triển khai thực hiện tòa án điện tử, việc số hóa hồ sơ vụ án, sử dụng phần mềm thống kê, quản lý án, gửi - nhận đơn khởi kiện, cấp, tống đạt... bằng phương tiện điện tử đã đem lại hiệu quả thiết thực; giảm tải số lượng lớn giấy tờ, hồ sơ. Nhờ đó, tiến trình tố tụng, thông báo án được cập nhật kịp thời.
TAND tỉnh Bắc Giang là đơn vị đầu tiên trong cả nước chủ động đề xuất TAND Tối cao cho phép thí điểm đối thoại và xét xử trực tuyến các vụ án hành chính, tiến tới xét xử trực tuyến các loại án khác. |
Theo lộ trình, giai đoạn 2021 - 2022, TAND tỉnh sẽ hoàn thiện nền tảng pháp lý, chiến lược tổng thể về xây dựng tòa án điện tử, ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin hiện có. Tại TAND huyện Yên Dũng, hệ thống giám sát trực tuyến đã được triển khai từ tháng 8/2021 (chỉ sau một tháng từ khi triển khai thực hiện mô hình tòa án điện tử - PV). Để đem lại hiệu quả cao, đơn vị bố trí bộ phận chuyên trách quản lý về hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phương án thực hiện cụ thể theo từng bước.
Cùng đó bố trí dụng cụ lưu điện, sử dụng đường mạng riêng biệt để trực tuyến giám sát chặt chẽ các phiên xét xử nhằm khắc phục tình huống, sự cố có thể phát sinh như mất điện, ngắt mạng. Thông qua theo dõi trực tuyến các phiên tòa, Chánh án có thể chỉ đạo từ xa khi phát hiện thiếu sót trong quá trình xét xử như: Trình tự tố tụng, thành phần, vị trí các thành viên tham gia.
Đơn cử như chiều 10/9, qua giám sát phiên tòa dân sự, Chánh án TAND huyện phát hiện một số vị trí của người tham gia chưa đúng nên đã nhắc nhở, kịp thời chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức, giữ gìn an ninh trật tự tại phiên tòa.
Tương tự, tại TAND huyện Tân Yên, đơn vị đã quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức về tầm quan trọng của việc xây dựng tòa án điện tử phù hợp với xu hướng thời đại công nghệ 4.0. Không chỉ trang bị cơ bản đầy đủ hệ thống máy tính, thiết bị điện tử, camera, đội ngũ cán bộ TAND huyện đã sẵn sàng cho việc triển khai chuyển đổi số.
Thông qua nghiên cứu các bản án công khai trên hệ thống điện tử, quá trình dự khán từ các phiên tòa trực tuyến đã giúp nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ xét xử. Đồng chí Nguyễn Ánh Dương, Phó Chánh án TAND huyện Tân Yên đánh giá: Từ các phiên tòa trực tuyến, bản án công khai sẽ tạo nên sự đồng nhất trong xét xử đối với tòa án các cấp khi xử các vụ án có cùng một tội danh; tránh trường hợp chênh lệch trong xét xử giữa các hội đồng.
Một phiên xét xử tại TAND tỉnh Bắc Giang. |
TAND tỉnh còn xây dựng mới trang thông tin điện tử ngành gắn kết trực tiếp với Cổng Thông tin điện tử TAND Tối cao. Việc cập nhật thông tin được thường xuyên thực hiện, người dân dù ở đâu cũng có thể truy cập và bình luận, đánh giá, nêu quan điểm về các bản án đó.
Đây là một giải pháp hữu hiệu giúp các thẩm phán tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Đặc biệt, TAND tỉnh Bắc Giang là đơn vị đầu tiên trong cả nước chủ động đề xuất TAND Tối cao cho phép thí điểm đối thoại và xét xử trực tuyến các vụ án hành chính, tiến tới xét xử trực tuyến các loại án khác.
Đồng chí Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp. Tiếp tục lộ trình phát triển, từ nay đến năm 2024, TAND tỉnh tập trung hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng số trong toàn hệ thống; phát triển các hệ thống công nghệ thông tin số, cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ vụ án và các dịch vụ công của tòa án. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện các biện pháp nhằm triển khai hoạt động, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh mạng.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)