Thu nhập cao từ nuôi dê
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam trao đổi kỹ thuật chăm sóc dê với ông Phạm Văn Sơn, thôn Dùm, xã Nghĩa Phương. |
Chúng tôi cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tới thăm nhà ông Phạm Văn Sơn-một trong những hộ nuôi dê ở thôn Dùm, xã Nghĩa Phương. Trong ngôi nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi, ông Sơn kể, trước kia, gia đình ông chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, kết hợp nuôi vịt, thả cá. Cuối năm 2012, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ dê thương phẩm ngày càng tăng, bán được giá, đầu ra ổn định, tận dụng đất rừng sẵn có của gia đình, ông Sơn bắt đầu nuôi với số lượng 20 con.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăn thả nên đàn dê hay bị bệnh, ông Sơn lỗ hơn 30 triệu đồng. Sau đó, ông tích cực tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc dê, kết hợp học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, dần dần, việc chăn nuôi trở nên thuận lợi, mang lại hiệu quả. Mỗi lứa, ông Sơn nuôi khoảng 60 con (mỗi năm 2 lứa), trọng lượng 20-25 kg thì xuất chuồng. Thời điểm hiện tại, dê thương phẩm giá 140 nghìn đồng/kg; nếu bán một con, trừ chi phí lãi gần 2 triệu đồng. Cách đây vài tháng, ông Sơn bán 60 con, lãi hơn 100 triệu đồng. "Khi dê đến lứa xuất chuồng, tôi gọi điện thoại cho thương lái là họ về tận nhà mua. Đến nay, do nắm chắc kỹ thuật, tôi không lo thua lỗ vì dịch bệnh nữa mà chỉ theo dõi diễn biến thị trường, lựa chọn thời điểm bán được giá cao".
Không chỉ ông Sơn, hàng chục hộ dân của xã Nghĩa Phương cũng nuôi dê thương phẩm với tổng đàn khoảng 600 con. Anh Phạm Công Vân, cán bộ thú y xã Nghĩa Phương cho biết: Để giúp các hộ nuôi dê có thu nhập cao, UBND xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê. Từ mô hình chăn nuôi này nhiều hộ trở nên khá giả.
Với diện tích đồi rừng khoảng 27 nghìn ha, khoảng 5 năm trở lại đây, nghề nuôi dê trên địa bàn huyện được nhân rộng. Hiện tổng đàn dê của huyện khoảng gần 6 nghìn con, tập trung ở các xã: Nghĩa Phương, Cẩm Lý, Huyền Sơn, Đông Phú... So với chăn nuôi lợn, trâu, bò, gà, vịt, chi phí nuôi dê rất thấp, chủ yếu tận dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên như cỏ, lá cây; đầu ra ổn định, bán được giá.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi, dù giá trị kinh tế cao nhưng nếu không nắm chắc kỹ thuật sẽ gặp không ít rủi ro. Dê thường ăn nhiều loại lá cây nên hay bị chướng hơi, đầy bụng. Bên cạnh đó, các bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm, long móng cũng hay xuất hiện, do đó người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi để phòng và chữa trị bệnh kịp thời.
Anh Nguyễn Văn Doanh-hộ chăn nuôi dê ở thôn Chàng 3, thị trấn Lục Nam cho biết: Trung bình, một con dê trọng lượng 20 kg ăn khoảng 3 kg lá cây là đủ (tương ứng với thời gian chăn thả khoảng 3 tiếng). Khi nuôi nên cho dê ăn cỏ trước sau đó mới cho ăn tinh bột để phòng chướng hơi. Nếu dê thường xuyên chăn thả trên đồi rừng, thịt sẽ chắc, đậm, ngon hơn so với nuôi bán công nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nghề chăn nuôi dê đang được nhân rộng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện miền núi. Thời gian tới, huyện có chủ trương xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, trong đó có con dê. Chính quyền địa phương khuyến khích nông dân mở rộng quy mô bảo đảm tiêu chí trang trại; thành lập hợp tác xã, tạo liên kết chặt chẽ trong khâu chăn nuôi và tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)