Thu nhập cao từ nuôi chim cu gáy
Mùa thu hoạch vải thiều năm 2016, anh Khôi đã bắt được 2 đôi chim cu gáy non và đem về nuôi. Qua tham gia các hội, nhóm chim cảnh và tìm hiểu trên mạng Internet, anh nhận thấy nhu cầu nuôi chim cu gáy cảnh đang phát triển mạnh nên đã nhân giống.
Anh Khôi bón thức ăn cho chim non. |
Anh Khôi chia sẻ, cu gáy dễ nuôi. Chuồng chim cũng khá đơn giản, chỉ cần dùng lưới sắt vây thành những ngăn nhỏ. Mỗi ngăn nhốt một đôi, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ hoặc chất xơ từ cây cối cho chim sinh sản. Chuồng nuôi chim đặt ở ngoài vườn cây ăn quả, tạo phong cảnh gần gũi với thiên nhiên. Chim có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh; thức ăn là các loại hạt như thóc, ngô, vừng, đỗ xanh…
Sau quá trình nhân đàn, năm 2019 anh mở rộng quy mô chuồng nuôi. Đến nay anh có 80 đôi chim cu gáy bố mẹ, 30 đôi chim cu gáy Thái Lan. Để nuôi chim cu gáy hiệu quả, anh đã mua thêm 200 đôi chim cu gáy Nhật Bản chuyên để ấp trứng và nuôi chim cu gáy bản địa. Sau khi chim non nở được khoảng 10 ngày sẽ tách mẹ, chuyển chăm sóc riêng, việc này giúp chim non thuần hơn.
Hiện chim cu gáy sau khi nở từ 20-25 ngày giá bán khoảng 350 nghìn đồng/đôi. Chim trưởng thành giá từ 500-700 nghìn đồng/đôi. Chim cu gáy Thái Lan non giá từ 300 nghìn đến 1 triệu đồng/1 đôi, tuỳ theo màu lông mơ, vân hồng hay tim trắng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Khôi thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn có thêm thu nhập khi bán những con chim đẹp, hót hay với giá từ 5-7 triệu đồng/con.
Theo anh Khôi, nuôi chim cu gáy sinh sản khó nhất là lúc ghép đôi, phải chịu khó quan sát thì việc ghép đôi mới thành công. Thông thường khoảng 7 tháng tuổi chim cu gáy bắt đầu đẻ trứng, nếu được chăm sóc tốt chúng sinh sản quanh năm.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người thấy mô hình nuôi chim cu gáy của anh Khôi cho hiệu quả kinh tế cao đã tìm đến mua con giống, học hỏi kinh nghiệm. Giờ đây, anh trở thành nhà cung cấp chim giống cho những người đam mê nuôi chim cu gáy cảnh ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước.
Bài, ảnh: Quang Huấn
Ý kiến bạn đọc (0)