Thu hồi hơn 22.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng
Một năm qua, cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt hơn 22.000 tỷ đồng.
Thông tin được Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết tại họp báo thường kỳ quý 3 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 7/10.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý tại họp báo. |
Theo ông Đỗ Xuân Quý, thi hành án dân sự thời gian qua đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay cả về số vụ việc và tiền thu hồi. Một năm qua, cơ quan thi hành án các cấp đã thi hành xong hơn 621.500 việc, tăng 45.000 vụ việc (7,97%) so với cùng kỳ năm 2023.
Về tiền, các cấp đã thi hành xong 117.300 tỷ đồng, tăng 27.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và đặc biệt là cao hơn 5% so với chỉ tiêu của Tổng cục giao. Ngoài ra, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc với hơn 22.000 tỷ đồng.
12 tháng qua, tổng số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là gần 2.000; kết quả đã thi hành xong 900 bản án.
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định tài liệu dự thảo lần 3 về nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Quan điểm của đơn vị khi thẩm định tài liệu dự thảo là quy định mức xử phạt và hình thức xử phạt với các hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại của hành vi đó. Ngoài ra, một trong những yêu cầu khi quy định mức xử phạt vi phạm hành chính còn phải bảo đảm mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, khả thi trong xử phạt.
Theo bà Phương, điều này cũng phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành khi một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi điều khiển phương tiện giao thông là trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.
Trước đó, trong dự thảo nghị định, Bộ Công an đề xuất phạt từ 6 đến 8 triệu đồng (bằng mức phạt Nghị định 100 hiện nay) với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Hành vi này ở dự thảo lần 2, Bộ Công an đề xuất chỉ phạt từ 800.000 đồng đến một triệu đồng.
Cùng mức vi phạm nồng độ cồn như trên, dự thảo quy định phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng (bằng mức phạt Nghị định 100 hiện nay) với người điều khiển môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy. Tại đề xuất lần trước, Bộ Công an dự kiến chỉ phạt 400.000-600.000 đồng.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)