Thông cáo báo chí số 11, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Thứ sáu, ngày 16/5/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 11 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
BUỔI SÁNG
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung sau:
- Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
![]() |
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. |
Tại phiên thảo luận có 18 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 2 đại biểu Quốc hội tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hoá chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao theo Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh; phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW; đối tượng áp dụng; nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra; nguyên tắc quản lý nhà nước; nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh; giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục rút gọn; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công; các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, thuế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về kích thích tiêu dùng trong nước, giải quyết tranh chấp, hòa giải thương mại.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
- Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Tại phiên thảo luận có 17 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó, đa số các ý kiến đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh; nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt; nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt; ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt; khoán chi trong công tác xây dựng pháp luật; Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật; đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt; chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật; thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật được hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt; phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; kỹ thuật lập pháp.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các đối tượng được hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt; đồng thời đề nghị xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
BUỔI CHIỀU
- Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe các nội dung: (i) Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (ii) Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; (iii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
- Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; (ii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Thứ bảy, ngày 17/5/2025, Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: (i) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; (ii) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; (iii) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (iv) biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; (v) biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: (i) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; (ii) Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); (iii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ý kiến bạn đọc (0)