Thêm lời cảnh tỉnh "việc nhẹ, lương cao" ở Myanmar
BẮC GIANG - Cuối tháng 4 vừa qua, nhiều chuyến bay hồi hương đã đưa hơn 500 công dân Việt Nam từ Myanmar về nước (thông qua Thái Lan) do bị trục xuất vì vi phạm quy định xuất nhập cảnh và nghi tham gia các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia. Trong số này, tỉnh Bắc Giang có 35 công dân.
Nhiều cạm bẫy
Lần theo địa chỉ của những công dân vừa được giải cứu trở về, phóng viên gặp anh M (sinh năm 2004) ở thôn Quả, xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên). Được trở về nhà an toàn sau nhiều tháng sống trong sợ hãi, bị ép phải tham gia hoạt động lừa đảo, anh M vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại những ngày cơ cực trải qua trên đất Myanmar. Anh M chia sẻ: “Tôi muốn từ trường hợp của mình để cảnh báo đến những người có ý định sang Thái Lan, Campuchia, Myanmar làm việc cần hết sức cân nhắc, bởi những cạm bẫy nguy hiểm luôn giăng sẵn mà mình không thể lường trước được”.
![]() |
Sau khi được giải cứu về nước, anh M trình diện tại Công an xã Trung Sơn. |
Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, M có một công việc ổn định tại một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên) với mức lương 11 triệu đồng/tháng. Làm được hơn 1 năm ở doanh nghiệp này, do bị gò bó về thời gian, lại ít tuổi, bồng bột nên anh M nghỉ việc. Với mong muốn tìm kiếm việc làm thu nhập cao hơn, nhàn hơn nên tháng 9/2024, M lên mạng xã hội đăng tin tìm việc làm và được một facebook có tên là Huỳnh Lệ Thu kết bạn nhắn tin môi giới sang Thái Lan làm công việc bán hàng trên các gian thương mại điện tử. Chỉ cần ngồi một chỗ ở phòng máy lạnh, gọi điện thoại thôi cũng có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng.
M nói: “Tôi muốn từ trường hợp của mình để cảnh báo mọi người nhất là giới trẻ hãy tránh xa suy nghĩ “việc nhẹ lương cao”, bởi đó chỉ là lời dụ dỗ ngon ngọt, mục đích để lừa đảo tài sản mà thôi”. |
Nếu muốn sang, Thu sẽ hỗ trợ làm hộ chiếu và visa lao động. Nghĩ là ở bên Thái Lan có nền kinh tế khá, nhiều hàng hóa bán chạy ở Việt Nam, lại có thu nhập cao gấp mấy lần làm doanh nghiệp cũ nên M đã đồng ý. Theo gợi ý của Thu, M đi khám sức khỏe, chụp ảnh thẻ gửi cho Thu làm hộ chiếu và đặt vé máy bay. Một tuần sau, M có mặt tại sân bay Băng Cốc, hôm đó là ngày 21/9. Hạ cánh xuống sân bay, M được một nhóm người dẫn đi làm thủ tục nhập cảnh rồi ra xe ô tô đến thẳng khu Mae Sot (Thái Lan) - cách thị trấn Myawaddy (Myanmar) một con sông hẹp.
Đêm đó M được nghỉ tại một khách sạn rất sang trọng. Sáng hôm sau có một người đàn ông gõ cửa phòng đưa M đến một căn nhà gần biên giới Thái Lan - Myanma, quãng đường ngắn nhưng đổi 2 lần xe ô tô và người lái. Sau đó có 6 người mặc quân phục đi thuyền đón M sang rồi tiếp tục đưa ô tô đi qua những cánh đồng toàn cỏ voi, ruộng đất cằn cỗi. M thoáng nghĩ Thái Lan có nhiều khu du lịch đông đúc, sao lại có chỗ hoang vắng thế này? Thì ra M đã bị đưa sang Myanma, đến một khu tự trị có tên là KK, ở cổng có nhiều chòi canh, có lính gác. Lúc này, M bắt đầu cảm thấy lo lắng.
Sống trong sợ hãi
Sau một ngày nghỉ ngơi tại khu KK, sáng 23/9, M được một người dẫn đến gặp sếp là người Trung Quốc (có người Việt Nam phiên dịch). Sếp nói với M đại ý là: “Bạn đã bước chân sang bên này, bạn phải làm việc cho chúng tôi”. Sau đó M được giao một máy vi tính, có người Việt Nam hướng dẫn cách lừa đảo. M được phát một số facebook, sau đó giả danh là kế toán ngân hàng rồi dẫn dụ vào các nhóm toàn những người giàu có như buôn gỗ, vàng bạc, khoáng sản… nhằm tìm những doanh nhân, ông chủ, người có tiềm năng để kết bạn, sau đó cố tình nhắn tin trả lời lại là xin lỗi nhận nhầm người.
![]() |
Những nạn nhân được giải cứu khỏi trung tâm lừa đảo ở Myawaddy, Myanmar tháng 2/2025. Ảnh: CTV. |
Từ nhầm lẫn này, M phải lân la làm quen, tìm mọi cách để lấy lòng nick name. Khi đã có tình cảm thì nhận là đang làm kế toán ngân hàng, do công việc như vậy nên ít có thời gian sử dụng zalo, facebook. Sau đó dẫn dụ khách tải Viber (phần mềm nhắn tin nhanh) để chuyện trò, trao đổi cho thuận tiện. Rồi M giao nộp thông tin về người này cho tổ trưởng để gài họ vào hoạt động lừa đảo tiếp theo. Trong một hội trường rộng mênh mông, có khoảng gần 100 người Việt Nam làm công việc này giống M.
Ở công đoạn tiếp theo, nhóm lừa đảo đưa ra một đường link gần giống như sàn thương mại điện tử thông thường nhưng có thêm tên quốc tế, ý là giao dịch trên toàn cầu. Sau đó gạ gẫm, dụ bán hàng cùng để hưởng ưu đãi “Càng mua nhiều lãi càng cao” với những lời chào mời hấp dẫn như: Mở cửa hàng không cần vốn, không cần nhập nguyên liệu, không cần có hàng hóa, ăn % hoa hồng cao… Bằng nhiều kịch bản lừa đảo, chúng lừa được của rất nhiều người trên toàn cầu. Không nhận được những lợi ích như đã giới thiệu, mỗi ngày, M bị khoán phải nói chuyện được với 20 khách hàng, kéo được tối thiểu 3 khách hàng vào cài đặt Viber.
Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thì bị phạt ở các mức: Phạt ngày - mỗi ngày chỉ được ăn một bữa, chống đẩy, hít đất, chạy vòng quanh khu nhà tối đa là 50 vòng dưới sự chứng kiến, cổ vũ của nhiều lao động khác; phạt tuần - bị đánh rất đau bằng gậy, que tre mỏng... Những hình phạt này toàn do người Việt Nam thực hiện. Chỉ trong vài tháng sang đây, M đã phải chịu nhiều lần bị những hình phạt như thế này. Thế nhưng khi được gọi điện cho gia đình ở Việt Nam, chúng bố trí người ngồi cạnh, ép M phải nói dối là làm công việc nấu bếp ổn định, thu nhập cao, nhàn hạ.
Phải làm việc trong môi trường áp lực cao, liên tục bị đe dọa, bị hành hung khi không hoàn thành chỉ tiêu hoặc có ý định bỏ trốn. Nhiều đêm, M không thể ngủ được, cứ nằm khóc một mình và nghĩ thương bố mẹ, thương em ở quê. Mong muốn được thoát khỏi nơi này, được trở về nhà cứ thôi thúc M. Nhưng nếu muốn về nước, họ ra yêu cầu M phải nộp 300 triệu đồng để “đền bù hợp đồng”.
Đầu tháng 2/2025, sau khi có thông tin một nam diễn viên nước ngoài bị lừa vào ổ lừa đảo ở Myanmar sau khi tới Thái Lan du lịch đã khiến địa danh “Myawaddy” dậy sóng. Một cuộc giải cứu người làm việc tại khu vực biên giới này được nhiều nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… phối hợp thực hiện. Toàn bộ khu vực này bị cắt điện, cắt nước, các hoạt động ngừng trệ. Những người làm việc tại đây được thông báo rằng: “Ai muốn về sẽ cho về, nhưng phải trả lại cho công ty 240 triệu đồng để họ lo chi phí. Nếu ai ở lại thì công ty sẽ thay đổi thời gian làm việc, không khoán sản phẩm, không áp dụng hình phạt. Nếu cảnh sát có hỏi thì phải nói rằng không bị đánh đập và vẫn muốn được tiếp tục làm việc tại đây…”.
Ngày 22/2/2025, cảnh sát Myanmar thông báo rộng rãi trên loa rằng ai muốn về nước thì chạy xuống sân (có người phiên dịch). Vậy là tất cả những người Việt Nam và các quốc gia khác đều bỏ hết đồ dùng, chạy nhanh xuống sân rồi lên xe ô tô đến một nơi cách xa biên giới. Sau khi điểm danh quân số từng nước, mọi người chờ Đại sứ quán nước mình thông báo. Đến ngày 28/4, M được lên máy bay về nước, kết thúc gần 8 tháng sống trong sợ hãi nơi xứ người.
Ý kiến bạn đọc (0)