Thị trấn Nhã Nam (Tân Yên): Phá bỏ gần 10 ha lúa, vì sao?
Tháng 3/2021, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) có thông báo triển khai thu hồi gần 10 ha đất nông nghiệp tại thị trấn Nhã Nam để thực hiện dự án hạ tầng khu đô thị Chuôm Nho theo quy định pháp luật. Liên quan dự án này có 131 hộ dân ở 5 tổ dân phố của thị trấn gồm: Tiến Phan 2, Lao Động, Tân Quang, Tiến Thắng và Bài có đất trong diện thu hồi.
Các hộ dân tiếc nuối những ruộng lúa đã trổ đòng phải phá bỏ. |
Đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng huyện Tân Yên (đơn vị chủ đầu tư) đã phối hợp với địa phương cơ bản chi trả xong tiền bồi thường, hỗ trợ (trong đó có tiền hỗ trợ về hoa màu, hỗ trợ bàn giao mặt bằng sớm...) cho các hộ dân có đất nằm trong diện thu hồi để khởi công xây dựng công trình thì vấp phải phản ứng của người dân.
Ông Vũ Văn Thê, tổ dân phố Tiến Thắng, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc Nhà nước thu hồi đất để làm dự án và hiện đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và hoa màu trên đất. Nhưng sau khi thu hoạch vụ chiêm, bắt đầu vụ mùa, chúng tôi có hỏi UBND thị trấn xem vụ này có được trồng lúa tiếp không, họ nói cứ làm và cho cả lịch gieo mạ. Giờ bao công sức, tiền của đổ vào đấy, lúa đã trổ đòng rồi, doanh nghiệp lại cho người cắt bỏ để thi công thì thiệt hại cho dân quá!”.
Theo ước tính của người dân sở tại, mỗi sào lúa từ khi cấy đến thời điểm này chi phí hết khoảng 700 nghìn đồng. Vì thế, các hộ dân mong muốn chủ đầu tư cho lùi thời gian thi công, tạo điều kiện cho bà con thu hoạch xong.
Lúa bị doanh nghiệp cắt bỏ lấy mặt bằng thi công xây dựng. |
Trao đổi về vụ việc, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhã Nam thông tin: UBND thị trấn không có văn bản nào cho phép người dân có đất trong chỉ giới thu hồi được cấy lúa. Ngày 8/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện có văn bản yêu cầu địa phương thông báo đến các hộ dân dừng sản xuất đối với các thửa đất nằm trong chỉ giới dự án để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng.
Để giảm thiệt hại cho các hộ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp trúng thầu huy động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho mỗi sào lúa đã cấy 400 nghìn đồng. Ngày 12/8, toàn bộ số hộ cấy lúa trên đất trong khu vực dự án đã nhận khoản tiền hỗ trợ trên trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công. |
Ngày 10/6, UBND thị trấn đã ban hành văn bản về nội dung này chuyển đến tổ trưởng các tổ dân phố liên quan và Đài truyền thanh thị trấn thông tin đến người dân.
Bà Trần Thị Hà, Tổ trưởng tổ dân phố Lao Động và ông Bùi Xuân Lộc, Tổ trưởng tổ dân phố Tiến Thắng cũng khẳng định đã tiếp nhận văn bản yêu cầu dừng sản xuất của thị trấn thông báo đến các hộ dân nhưng họ vẫn cố tình gieo trồng.
Nguyên nhân là do trước đây có một số dự án triển khai trên địa bàn và khu vực xung quanh tiến độ thực hiện rất chậm, chờ cả năm mới khởi công, nghĩ dự án này cũng vậy nên người dân rủ nhau tiếp tục cấy lúa bất chấp thông báo.
Thế nhưng không hiểu sao khi thấy người dân tổ chức gieo cấy đại trà toàn bộ diện tích thuộc dự án nhưng chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương không hề có động thái ngăn chặn, dẫn đến những thiệt hại, đơn thư không đáng có và dư luận bức xúc trong nhân dân.
Trước đề nghị của người dân, ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tân Yên cho hay: Không thể lùi thời gian thực hiện dự án vì đơn vị đã tổ chức đấu thầu thi công, doanh nghiệp trúng thầu đã khởi công xây dựng...
Tuy nhiên, để giảm thiệt hại cho các hộ, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp trúng thầu huy động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho mỗi sào lúa đã cấy 400 nghìn đồng. Đến hết ngày 12/8, toàn bộ số hộ cấy lúa trên đất trong khu vực dự án đã nhận khoản tiền hỗ trợ trên, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công.
Dư luận cho rằng, nếu người dân chấp hành thông báo dừng sản xuất, tuân thủ quy định pháp luật thì không xảy ra việc bị thiệt hại. Về phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tân Yên và UBND thị trấn Nhã Nam, khi thấy người dân cố tình gieo cấy trên phần đất đã thu hồi làm dự án, tiếp tục tuyên truyền, vận động, thậm chí lập biên bản các trường hợp cố tình vi phạm thì đã không xảy ra chuyện đáng tiếc như trên. Đây là bài học để các cơ quan, chính quyền địa phương liên quan rút kinh nghiệm khi thực hiện các dự án khác.
Bài ảnh: Tuấn Dương
Ý kiến bạn đọc (0)