Thị trấn Bích Động (Việt Yên): Đền bù cây trồng khi thu hồi đất đúng quy định
Dự án khu dân cư mới Dục Quang được triển khai vào cuối năm 2020 với diện tích khoảng 7,2 ha do UBND huyện Việt Yên là chủ đầu tư. Dự án có hơn 1 ha đất giao thông thủy lợi, còn lại là đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 800 thửa) của 300 hộ dân thuộc TDP Dục Quang, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Thư.
Một trong những thửa đất của hộ ông Nguyễn Văn Thư nằm trong dự án khu dân cư Dục Quang. |
Theo phản ánh, gia đình ông Thư có 5 thửa ruộng, diện tích gần 600m2 thuộc xứ đồng Lưng Gói và Ngõ Cầu nằm trong diện thu hồi để triển khai dự án khu dân cư mới Dục Quang. Trước năm 2020, tại các thửa ruộng này ông Thư trồng bưởi, na, hiện đã kết trái. Điều ông Thư băn khoăn là khi UBND huyện thu hồi đất làm dự án không đền bù hỗ trợ toàn bộ số cây trồng trên đất mà chỉ thanh toán 30 cây/1 sào. Trong khi đó địa phương thu hồi đất để làm dự án trụ sở cơ quan Thi hành án tại khu đồng Cửa Làng cùng ở TDP thì lại được thanh toán 100% cây trồng trên đất cho hộ dân.
Ngoài ra, mong muốn của ông Thư là được đổi đất, không phải nhận tiền đền bù. “Gia đình tôi có 5 khẩu, có mấy sào đất Nhà nước đã thu hồi gần hết, vợ chồng tôi hết tuổi đi làm công ty, giờ không còn ruộng, cuộc sống sẽ rất khó khăn”, ông Thư nói. Cũng vì lý do này, ông Thư đề nghị UBND thị trấn Bích Động xem xét đổi đất cho hộ ông từ khu vực bị thu hồi ra khu đồng khác (đồng Lưng Lay) với hệ số 1,5 để lấy ruộng sản xuất. Tuy nhiên đề nghị trên không được địa phương chấp nhận.
Về kiến nghị trên, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Bích Động và đại diện Ban quản lý TDP Dục Quang khẳng định hộ ông Thư được đền bù 30 cây (cây bưởi- PV)/sào khi Nhà nước thu hồi đất là đúng. Việc hỗ trợ tài sản, cây trồng trên đất được thực hiện theo Quyết định số 20 ngày 2/7/2020 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh. Hộ ông Thư trồng cây lâu năm trên đất trồng lúa khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo các văn bản hướng dẫn trên, tuy không đủ điều kiện được bồi thường về tài sản nhưng do cây được trồng trước ngày 1/1/2020, khi trồng không bị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý nên vẫn được hỗ trợ bằng 80% đơn giá bồi thường cây trồng tương ứng do UBND huyện ban hành theo mật độ quy chuẩn. Diện tích cây trồng lâu năm trên đất trồng lúa từ ngày 1/1/2020 trở lại đây không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ không được bồi thường.
Đáng chú ý, Quyết định số 10 của UBND tỉnh nêu rõ, giao “Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng đơn giá đối với tài sản trên đất là cây trồng, vật nuôi, thống nhất với Sở Tài chính công bố 6 tháng 1 lần”. Theo đó, công văn 2191 ngày 30/12/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT công bố đơn giá tài sản trên đất là cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh, quy định: Cây bưởi tính theo đường kính gốc của cây, đo gốc cách mặt đất 15 cm; khoảng cách cây cách cây 3m x 4m, mật độ 833 cây/ha (tương ứng 30 cây/sào). Do đó, việc hộ ông Thư được hỗ trợ tiền 30 cây bưởi/sào khi thu hồi đất là đúng quy định. Ông Thư yêu cầu được hỗ trợ toàn bộ số cây trồng thực tế là không có cơ sở.
Ông Thư cho rằng giá hỗ trợ cây trồng khi thu hồi đất ở dự án khác cùng TDP cao hơn, ông Lương Ngọc Đức, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên khẳng định: Phương án đền bù khi thu hồi đất ở hai dự án là như nhau. Việc đền bù, hỗ trợ cây trồng được áp dụng theo mật độ quy định của tỉnh, huyện chỉ trả tiền theo đúng phương án được duyệt. Việc người dân ở dự án cơ quan Thi hành án được nhận tiền đền bù về cây cối, tài sản trên đất cao hơn có thể là do đơn vị thi công hoặc chủ đầu tư công trình hỗ trợ thêm để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không có việc huyện tự ý đền bù hỗ trợ nơi cao, nơi thấp.
Về đề nghị đổi đất khu vực bị thu hồi lấy đất ở khu vực khác để sản xuất nông nghiệp, theo quy định của Luật Đất đai, khi thu hồi đất, Nhà nước có thể bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất thì có thể bồi thường bằng tiền. Mong muốn của gia đình ông Thư là chính đáng. Tuy nhiên, hiện UBND thị trấn Bích Động không còn quỹ đất để bồi thường nên không thể đáp ứng yêu cầu trên. Được biết, sau khi được tuyên truyền, giải thích, mới đây, gia đình ông Thư đã ký nhận tiền đền bù đất và cây trồng trên đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ý kiến bạn đọc (0)