Theo chân thương lái thu mua vải thiều
Chợ vải thiều Lục Ngạn. |
Vải thiều ùn ùn xuống phố
Giữa tháng 6, vải thiều chính vụ Lục Ngạn bắt đầu thu hoạch rộ. Những ngày này, hoạt động thu mua diễn ra vô cùng sôi động. Không chỉ ở những tuyến phố ven quốc lộ 31 vốn đông đúc như Kim (xã Phượng Sơn); thị trấn Chũ; Kép (xã Hồng Giang), Cầu Cát (xã Nghĩa Hồ), Biển (xã Biển Động)… mà trung tâm các xã cũng nhộn nhịp hơn bởi có hơn 500 điểm cân với gần 1.000 thương nhân, trong đó có hơn 100 thương nhân Trung Quốc thường xuyên có mặt tại đây để thu mua vải thiều. Dự báo trong những ngày tới có khoảng 500 thương nhân Trung Quốc sẽ sang Việt Nam đóng hàng.
Khu phố Kim- cửa ngõ vào huyện Lục Ngạn buổi sáng thường xảy ra ách tắc bởi vải thiều ùn ùn “xuống đường”. Nhiều thương lái cũng bám theo xe chọn hàng. Gương mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi, ướt đầm lưng áo dưới cái nắng gay gắt. Theo ông Thân Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Sơn thì năm nào cũng vậy, phố Kim là nơi diễn ra hoạt động mua bán vải thiều sớm hơn các xã khác trong huyện khoảng nửa tháng vì trên địa bàn xã và những khu vực xung quanh có nhiều diện tích vải chín sớm như U hồng, U dây, U trứng.
Loại quả này được người Trung Quốc ưa chuộng nên đầu vụ tiêu thụ khá suôn sẻ, giá hơn 20.000đồng/kg. Riêng khu vực phố Kim đã có 51 điểm cân của các thương lái, mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm tấn quả; chưa kể các điểm cân lưu động đặt trên những xe cóc, xe tải nhỏ thu mua nhanh để vận chuyển đi Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Năm nay, vải thiều được mùa lớn, dự kiến sản lượng toàn tỉnh đạt khoảng 150.000-180.000 tấn. Chất lượng cũng như mẫu mã được đánh giá là tốt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nguồn cung dồi dào như vậy nên cánh thương lái có vẻ nhàn hơn so với năm trước.
Từng có nhiều năm buôn bán vải thiều, bà Nguyễn Thị Lan ở tỉnh Thái Bình (thuê số nhà 92 phố Kim đặt điểm cân) cho biết: "Mỗi buổi sáng tôi thu mua đủ 1 công-ten-nơ (khoảng 13,5 tấn) để chạy vào miền Nam. Do vải thiều nhanh xuống mã nên mua xong là huy động nhân công xử lý ngay các bước để đưa quả vào thùng xốp (mỗi thùng 20 kg quả) bảo quản". Chị Nguyễn Thị Hương (chủ nhà Hương Chiến)- có nhà mặt tiền rộng ở phố Kim cho bà Lan thuê đóng hàng góp chuyện: "Nhân công ở đây toàn là dân chuyên nghiệp, làm mười mấy năm rồi nên mọi thao tác, công đoạn đều thành thạo, chủ hàng hầu như không phải nhắc nhở về quy trình kỹ thuật, việc ai nấy làm, nhanh thoăn thoắt".
Tại điểm cân này có gần hàng chục nhân công tất bật làm cả trưa, từ khâu bốc xếp, rửa quả, cho vào túi bóng, đóng đá, hộp xốp, dán nhãn mác “Vải thiều Lục Ngạn” rồi đưa lên xe. Quy trình làm liên tục, khép kín đến khoảng 17 giờ là xong để kịp vận chuyển. Lúc cao điểm, chủ điểm cân đóng mỗi ngày 2 công-ten-nơ. Xe chạy vào Sài Gòn cứ chạy, người ở điểm cân cứ cân, 2 ngày hai đêm là đến chợ đầu mối giao cho các chủ hàng trong đó. Năm trước, khi cung không đủ cầu, chủ vườn có “chảnh” với thương lái nhưng năm nay thì không, việc mua bán diễn ra nhanh gọn và thuận lợi hơn nhiều, không quá vất vả, bận rộn.
"Tuy nhiên, vụ này, do thuê nhân công, chi phí xăng dầu, các mặt hàng phụ trợ như đá cây, túi nilong và đặc biệt là giá thùng xốp ở mức cao nên để cân đối chúng tôi vẫn phải cân nhắc giá cả để làm sao quả vải thiều Lục Ngạn đến tay người tiêu dùng miền Nam không quá cao mặc dù giá thu mua tại điểm cân rẻ hơn nhiều so với năm trước. Hiện tại,chúng tôi thu mua với giá hơn 10.000đồng/kg"- một thương nhân tên là Chiến nói. Tìm hiểu được biết, việc trừ lùi cân cũng được hạn chế rất nhiều. Trước khi bước vào vụ, UBND xã đã tổ chức họp, mời các chủ điểm cân đến ký cam kết để tránh gian lận thương mại; cân đúng, cân đủ cho bà con.
Theo chân thương nhân Trung Quốc
Thương nhân Trung Quốc tại điểm cân vải thiều ở xã Hồng Giang. |
Ở một ngôi nhà khác cũng thuộc phố Kim, hai thương nhân Trung Quốc cũng tất bật với việc chọn hàng. Nếu không có một cán bộ công an xã giới thiệu, tôi cũng không nhận ra đó là người Trung Quốc vì thấy họ giao tiếp thân mật với những người xung quanh. Chủ nhà cho biết: 8 năm trước, hai thương nhân này đã đến Lục Ngạn đặt điểm thu mua vải thiều. "Đến hẹn lại sang", năm nay, họ đã đóng 12 chuyến hàng ở Việt Nam, trước đó là ở tỉnh Hải Dương và các huyện Tân Yên, Yên Thế. Họ nói tiếng Việt rất giỏi, tự ra đường xem hàng, lựa chọn mua những sọt vải đẹp, mức giá thường cao hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với thương lái Việt Nam.
Hiện tại, thương lái Trung Quốc đến thu mua vải thiều chưa nhiều. Theo ông Hội Giang, một thương nhân ở TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam có mặt tại Lục Ngạn từ đầu vụ vải sớm thì Trung Quốc cũng đang vào chính vụ thu hoạch vải thiều, thời điểm này lại rơi vào Tết Đoan Ngọ (mồng 5-5 âm lịch) - một ngày Tết rất quan trọng của người Trung Quốc nên phải sau ngày này, thương lái Trung Quốc mới sang đông. Ông cho biết: "Vải thiều Lục Ngạn chín sau, rất ngon, người dân Trung Quốc ưa thích.
Năm ngoái chúng tôi mua được hơn 60 xe, mỗi xe khoảng 11 tấn. Năm nay dự kiến khoảng 1.000 tấn". Tuy nhiên, cũng giống như nhận xét của nhiều người khác thì giá dịch vụ và các mặt hàng phụ trợ tăng nên ông Hội Giang phải cân đối chi phí. “Giá thùng xốp giờ đã cao gấp đôi so với đầu vụ. Mà thiếu thùng xốp thì không vận chuyển về được, thâm hết quả. Vì vậy phải cân đối kỹ lắm, nếu mặt hàng phụ trợ này tăng cao nữa chúng tôi sẽ giảm số lượng thu mua vải, chỉ 700 tấn thôi”- ông Hội Giang phân trần.
Từ ngày 13-6 đến hết ngày 20-6, tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Siêu thị BigC Thăng Long (số 222 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng thu hút đông đảo sự quan tâm, hưởng ứng của các thương nhân và người dân. |
Góp mặt vào đội quân thương lái đổ về Lục Ngạn thu mua vải thiều còn có hàng trăm xe tải nhỏ, xe cóc với sức chở vài ba tấn tiêu thụ ở các tỉnh lân cận. Khác với các thương nhân đưa hàng sang Trung Quốc hay vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh chỉ thu mua vào buổi sáng, phải đóng đá hộp xốp thì đội quân này lại gom hàng vào các buổi chiều khiến cho thị trường Lục Ngạn thêm phần tấp nập.
Để kịp cho chuyến hàng bán vào sáng sớm hôm sau, bà Nguyễn Thị Chung và Nguyễn Thị Phương cùng ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức (Hà Nội) khoảng 15 giờ hằng ngày đã đánh ô tô đến Lục Ngạn. “Do quãng đường gần, bán ở chợ quê nên chúng tôi thu mua không cần đóng vào thùng xốp, được cân nào đưa ngay lên xe. Hàng cũng không cần quá đẹp, mỗi chuyến khoảng 2 tấn thôi”. “Đắt hàng tôi mới trôi hàng bà”, theo bà Phương thì các loại hoa quả như mận, xoài, dưa, dứa, ổi …đều được mùa nên giá vải thiều cũng bị tác động nhiều. Theo nhiều thương lái, nguyên nhân giá vải thiều giảm chủ yếu do vào vụ thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, cước vận tải, chi phí phụ trợ tăng cũng khiến các nhà vườn bị thương lái ép giá để bù chi phí.
Theo đánh giá của ngành chức năng, mỗi ngày Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 6.000 tấn. Mặc dù giá rẻ hơn so với năm trước nhưng các thương lái vẫn nườm nượp đổ về đây thu với số lượng lớn. Bởi đặc sản vải thiều Lục Ngạn đã nức tiếng gần xa, có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)