Thêm việc làm, tăng thu nhập trong mùa vải thiều
BẮC GIANG - Vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch. Dù năm nay sản lượng có giảm so với năm trước song do thời gian thu hoạch ngắn nên các nhà vườn, thương nhân cần huy động thêm lao động thời vụ. Nhiều người có thể kiếm từ vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu mỗi ngày từ công việc thu hái, đóng gói, bốc xếp hàng, cân, chọn vải.
Thu nhập cao
Từ giữa tháng 5, không khí mua, bán vải sớm tại trung tâm xã Phúc Hòa (Tân Yên) đã nhộn nhịp. Các điểm cân liên tục đón hàng trăm xe máy chở theo những sọt vải nặng trĩu. Ông Nguyễn Ngọc Sỹ, thương nhân mua vải đã đặt điểm cân gần chục ngày nay tại Phúc Hòa. Trung bình mỗi ngày, ông nhập 4-5 tấn hàng đem đi các siêu thị ở khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam. Để kịp thời mua và đóng hàng, ông thuê 12 lao động làm các công đoạn khác nhau với chi phí từ 350 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/người/ngày. Theo ông Sỹ, vải tươi “tuyển” vào siêu thị nên cần chọn kỹ, các khâu cắt cuống, xếp quả vào thùng xốp phải rất cẩn thận, tránh va đập làm thâm hoặc dập quả.
|
Thu mua vải sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên). |
Quan sát tại điểm cân, không khí lao động rất khẩn trương. Một số thanh niên tất bật bốc dỡ từng tảng đá cây từ xe ô tô xuống, sau đó đập thành những miếng nhỏ vừa đủ đưa vào bể nước ngâm cho trái cây tươi lâu hơn khi vận chuyển xa. Sau khi chủ hàng thống nhất về giá, anh Nguyễn Văn Hinh, 33 tuổi, quê ở Lục Ngạn khệ nệ nhấc sọt vải vào phía trong nhà để sơ chế. Gương mặt bừng đỏ vì nóng, chốc chốc anh Hinh lấy khăn lau mồ hôi. Anh kể năm nào cũng vậy, anh theo các chủ cân hàng đi nhiều nơi thu mua vải thiều.
Công việc khá vất vả nhưng bù lại có thu nhập mỗi ngày từ 800 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng, tùy theo số lượng hàng mua vào nhiều hay ít. Khác với cánh nam giới, những lao động nữ làm công việc nhẹ nhàng hơn như cắt phần cuống và loại bỏ những quả lép, kẹ, dập vỡ để bảo đảm chất lượng vải đóng thùng khi xuất khẩu. Có địa điểm ở ven trục đường chính liên xã, sân vườn thoáng mát, rộng rãi, điện, nước thuận tiện, các gia đình được thương nhân chọn đặt điểm cân như ông Ngô Văn Đại, Nguyễn Văn Xuân ở thôn Quất Du 1 cũng có thêm khoản thu hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.
Toàn xã Phúc Hòa có 680 ha vải cho thu hoạch. Do đa số lao động trẻ đi làm công nhân nên hầu như chỉ có người già và lao động trung tuổi thu hoạch vải. Thời điểm này, vải sớm đang chín rộ nên nhiều hộ phải thuê thêm nhân công ở các xã lân cận như: Tân Trung, Liên Chung, Hợp Đức (Tân Yên) sang thu hái quả. |
Theo lãnh đạo xã Phúc Hòa, năm nay, toàn xã có 680 ha vải cho thu hoạch. Do đa số lao động trẻ đi làm công nhân nên hầu như chỉ có người già và lao động trung tuổi thu hoạch vải. Thời điểm này, vải sớm đang chín rộ nên nhiều hộ phải thuê thêm nhân công ở các xã lân cận như: Tân Trung, Liên Chung, Hợp Đức (Tân Yên) sang thu hái quả.
Anh Vy Thanh Bình, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa có hơn 1 ha vải sớm đang cho thu hoạch, công việc tập trung vào sáng sớm và chiều tối. Do thiếu lao động tại chỗ nên anh tìm thuê lao động ở nơi khác để kịp thu hái vải đúng thời điểm quả chín rộ. Tính ra, người trồng vải và các chủ điểm cân chi trả vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu mỗi ngày cho một lao động phổ thông. Đây là số tiền không nhỏ. Tuy vậy, dưới nắng hè oi ả, người lao động không dễ gì “hốt” bạc mà phải có sức khỏe tốt, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, hỗ trợ nhà vườn nhanh chóng thu hoạch thì mới đáp ứng được yêu cầu của chủ thuê lao động.
Cùng với “thủ phủ” vải sớm Phúc Hòa, ngược lên Lục Ngạn, nhiều nhà vườn ở các xã: Phượng Sơn, Hồng Giang, Tân Sơn cũng bắt đầu thu hoạch vải. Mới sáng sớm, khu vườn của gia đình anh Lý Văn Chinh, xã Tân Mộc đã rộn tiếng nói cười của lao động thời vụ xen lẫn tiếng kéo lách cách cắt cuống, lá vải. Anh Chinh nói: “Trong buổi sáng chúng tôi phải cung cấp 2 tấn hàng cho doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu vì vậy gia đình thuê thêm người thu hái với chi phí từ 350 - 500 nghìn đồng/người/ngày. Năm nay, do một số vùng lân cận mất mùa nên việc tìm nhân công thu hái quả không khó”.
Tăng cường hỗ trợ
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt 100 nghìn tấn. Thời điểm này, vải sớm bắt đầu chín rộ, thời gian thu hoạch ngắn. Vụ vải dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7.
Các nhà vườn, thương nhân cần rất nhiều nhân lực hỗ trợ các công đoạn thu hái, sơ chế, bốc xếp, vận chuyển. Do vải thiều chính vụ sản lượng giảm mạnh nên năm nay, nhiều thương nhân triển khai hoạt động xúc tiến thương mại sớm hơn nhằm tìm nguồn hàng chất lượng. Vải Phúc Hòa chín sớm hơn khoảng 10 ngày so với dự kiến.
Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc về Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại huyện Tân Yên, Lục Ngạn. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong các hoạt động thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều, đáp ứng nhu cầu sử dụng một số dịch vụ phụ trợ”.
Huyện Tân Yên có tổng diện tích vải thiều hơn 1,4 nghìn ha. Trong đó vải sớm 1,2 nghìn ha, sản lượng ước đạt 15 nghìn tấn. Dự kiến khoảng 7,8 nghìn tấn vải tươi tiêu thụ tại thị trường nội địa; chủ yếu ở các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước; sản lượng còn lại xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc.
Để tạo thuận lợi cho người lao động và người có nhu cầu sử dụng lao động, lãnh đạo các xã gồm: Bình Sơn, Đông Hưng (Lục Nam); Nam Dương, Tân Mộc, Hồng Giang, Giáp Sơn (Lục Ngạn); Tân Trung, Phúc Hòa (Tân Yên) đã chỉ đạo tổ chức hội, đoàn thể như: Phụ nữ, thanh niên, nông dân tăng cường kết nối thông tin qua số điện thoại, zalo, facebook, kịp thời cung ứng nguồn lao động thời vụ cho các chủ hộ có lịch thu hoạch vải thiều cũng như hỗ trợ lao động ở địa phương khác đến địa bàn thu hoạch vải thuê.
Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên thông tin, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận tiện cho tổ chức, cá nhân vào địa bàn thuê lao động thời vụ thu mua, tiêu thụ vải thiều. Tăng cường kiểm tra, giám sát; ngăn ngừa các vụ việc vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh trật tự trong vụ thu hoạch vải.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)